Ads 468x60px

.

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Lưu manh



Minh họa: Kho tàng truyện hay

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Phú Thăng | 2. Cô Vân

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
2 Kênh 3 Video
1. Kho tàng truyện hay | VTC Sách hay - Diễn đọc: NSUT Phú Thăng


Mời đọc Bản đánh máy

Lưu manh

Nguyễn Công Hoan


Anh Nong - không biết gọi đúng thì là Nong hay Long - ở hàng xóm nhà thằng địa chủ Lại. Anh nghèo quá, không hiểu nghèo từ bao nhiêu năm nay rồi. Chỉ biết rằng ngày còn ông nội anh, thì ông cụ bán cái nhà trên cho bố thằng Lại hiện nó ở bây giờ. Chỉ còn giữ lại cái bếp và một tí đất làm sân, tất cả chưa đầy mười thước.

Kể ở hàng xóm nhà địa chủ, thì có cái tiện, nhưng có nhiều cái bất tiện. Tiện, vì thỉnh thoảng nhà nó có việc, cần người làm giúp, thì nó gọi sang ngay, được làm và được ăn. Không tiện, vì nhà nó có nhiều việc lặt vặt quá, ngày nào cũng gọi, anh mất cả thì giờ làm cho người khác. Vì làm những việc linh tinh như thế, thì cứ nhập nhằng, nó không cho gì, bảo rồi để gộp thành một công cho dễ tính.

Bởi luôn luôn anh phải làm không cho thằng Lại, nên không có gì để ăn. Anh đói, không có một thước ruộng, không có một hạt thóc, nên lắm hôm, anh phải ăn cháo cám, cháo sắn, hoặc củ chuối để trừ bữa. Những lần không có cám, không có sắn, không có củ chuối, thì anh chịu nằm bệt ở nhà, chờ cho đến khi có việc làm.

Một lần, vào năm 1941, anh không thắng nổi con ma đói. Anh nhịn đã ba bữa rồi. Cùng lắm, anh chui vào vườn nhà thằng Lại - trước kia là vườn nhà anh - bẻ trộm một quả bưởi. Anh nghĩ anh có quyền lấy bưởi, vì nó quỵt công anh. Vả cây ấy, ông anh trồng. Nhưng chẳng may, nó bắt được. Anh không cãi kịp mồm nó, bị một trận bò lê kéo càng.

Năm 1943, anh đi lỵ tưởng chết. Thấy cạnh giàn mướp nhà thằng Lại có dây mơ tam thể, anh sang xin lá để làm thuốc. Nhưng nó đi vắng. Anh cho là vật thử chả mấy, cứ việc bứt. Sực nó về. Nó đổ cho anh ăn cắp mướp. Anh lại bị một trận đòn nên thân.

Năm 1944, vào tháng ba, anh đói quá, lẻn vào vườn nhà ông Đĩnh, hàng xóm, đào trộm củ sắn. Ông Đĩnh không biết. Nhưng hôm sau, bà Đĩnh cứ đứng bên hàng rào, chõ sang nhà anh, chửi bâng quơ thằng ăn cắp sắn.

Thằng Lại gọi anh sang, dọa:

- Mày còn tắt mắt, ông bắt được quả tang, thì ông cắt gân.

Đến năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Anh nghĩ: Dân nước độc lập thì phải nỗ lực làm ăn, kẻo không xứng đáng là con cháu cụ Hồ.

*
*      *

Từ năm 1949, thấy hàng xóm đã có tiếng chửi mất gà. Ngay ban ngày ban mặt cũng mất. Một mất mười ngờ. Ăn cơm mới, nói chuyện cũ. Người ta ngờ anh Nong. Nhưng may quá, một hôm anh đi đồng, đuổi đánh được con cáo. Anh sung sướng, xách về để minh oan.

Thằng Lại nghe tin, vội vàng sắm một cái cạm. Cái cạm bằng sắt. Nó dương lên, thử cho cả nhà xem. Nó thò cái que vào: Phập! Hai vành răng cưa ập vào nhau, nghiến chặt lấy cái que. Nó khoái trí lắm.

Nó rạo quanh hàng rào để ngắm xem nên đặt cạm vào chỗ nào. Sực nó nghĩ đến đàn gà nhà ông Đĩnh hỗn như ranh, vẫn sang sân nhà nó ăn thóc, đuổi sao cũng không được. Nó không tính đến việc dùng cạm để bẫy cầy cáo nữa, mà tính ngay đến việc dùng cạm thay cầy cáo để bắt gà.

Nó đặt cạm cạnh lỗ hàng rào nhà ông Đĩnh.

Buổi chiều hôm ấy, ông Đĩnh kêu mất gà. Bà Đĩnh không nghi cầy cáo bằng nghi người, chõ mồm sang nhà anh Nong mà chửi.

Anh Nong ức lắm, đành làm ngơ.

Vào khoảng đầu thu năm 1950. Sau khi giặc Pháp nhảy dù hiến thân ở thị xã Thái Nguyên, thì nhà thằng Lại luôn luôn có những buổi họp. Những người đến họp là những người rất quen, mọi khi vẫn đến nhà nó, và nó cũng vẫn đến nhà những người ấy. Độ này thì họ hay đến cùng một lúc, và ngồi lâu. Mỗi lần chúng nó họp, thì anh Nong phải sang phục dịch. Anh thấy thằng chánh Chép, thằng lý Phình, thằng tiên chỉ Chi, thằng cha Quảng, thằng phó hội Tính, vân vân..., tóm lại, toàn những thằng nhà giàu xưa đã có một thời kỳ thét ra lửa, và hiện nay, vẫn còn đánh chửi anh, và đánh chửi nhiều người trong làng. Thằng cha Quảng còn hiếp dâm cả phụ nữ nữa.

Anh không rõ chúng nó chuyện trò với nhau những gì, mà có vẻ bí mật lắm. Lúc thấy anh, thì chúng nó im bặt, và đuổi anh xuống bếp.

Có một cái tháng tư, mà anh thấy nhà nó họp đến ba lần. Họp xong, khi mổ gà, khi mổ chó, ăn với nhau. Lần nào, anh cũng phải hầu từ đầu đến cuối.

Vào cuối tháng năm, một lần thằng Lại gọi anh sang nhà nó, nói rằng có việc hay lắm. Anh tưởng nó cho tiền, cho nong, hay cho ăn, cho uống gì. Chẳng hóa ra nó đưa anh vào buồng, cho anh xem một cuốn sách bé bằng bàn tay. Nó hỏi:

- Mày có biết sách gì đây không?

Anh ngớ ngẩn, đáp:

- Không. Nó dỉ tai:

- Đây là quyển điều lệ hội. Ai vào hội, thì sau này cũng được sung sướng.

Anh khẽ gật.

- Vâng.

- Nhưng trước hết, mày phải hết sức bí mật. Lộ ra thì mất đầu đấy, con ạ.

Anh ngơ ngác, không hiểu. Nó nói:

- Tao thấy mày gan dạ, nên tao tác thành cho mày. Tao muốn giới thiệu mày vào hội này, gọi tên là hội Bảo hiểm.

 Anh chưa nghe rõ, hỏi lại, nó đáp:

Hội Bảo hiểm. Mày hãy cứ biết thế đã. Vào hội thì sau này được sung sướng.

Anh nhìn nó. Nó nói khẽ:

- Mày xem, rồi Chính phủ này thế nào cũng thua. Người ta có máy bay, có xe tăng, có đại bác, có liên thanh, muốn chiếm đâu, là nhảy dù chỗ ấy. Mình thì có đếch gì. Bộ đội mình thì đánh chác gì. Thua đến nơi rồi. Người khôn phải biết đón thời cơ. Không biết đón thời cơ thời cứ bị khổ sở như thế này mãi. Vào hội thì sau này được trọng dụng, danh giá, muốn có bao nhiêu tiền cũng được.

Nghĩ đến tiền, anh thèm, nên nói:

- Nếu thế thì ông cho con một chân.

- Thế thì tốt lắm.

- Bao giờ thì được tiền?

- Phải nhận công tác đã chứ?

- Có khó không, hở ông?

- Không, rất dễ. Ở vùng này, bao nhiêu cơ quan, kho tàng của Chính phủ ở chỗ nào, mình đều rõ cả.

- Để làm gì hở ông?

- Để báo cho máy bay, chứ để làm gì. Cách báo cũng rất dễ. Rồi tao bảo sau. Máy bay có bắn phá, thì Chính phủ mới mau thua.

- Thế thì Chính phủ bị thiệt hại nhỉ.

- Phải rồi, chỉ cần thế thôi.

- Sao lại cần thế, hở ông? 

- Mày dở lắm. Việc khác thì khôn, sao việc này mày ngốc thế.

- Thế gọi là làm Việt gian à?

- Nhưng mà có danh có lợi. Rồi Pháp trở lại cai trị, bố đứa nào dám bảo chúng ông là Việt gian.

- Nhưng công an bắt thì chết.

- Cho nên phải giữ bí mật.

- Con ngại ông ạ.

- Được, tao cho mày nghĩ kỹ. Nhưng tao giao hẹn, mày mà nói cho ai biết, thì mày bị tử hình, nghe chưa?

Từ hôm ấy, anh Nong sợ quá. Anh cố hỏi dò xem hội Bảo hiểm là thế nào mà lại bậy bạ thế. Sau anh biết rằng đó là hội ủng hộ Bảo Đại, ủng hộ Pháp, đánh lại Chính phủ ta. Anh giật nẩy mình. Anh kinh tởm bọn chúng nó.

*
*      *

Từ hơn ba tháng nay, luôn luôn xảy ra mất gà của những nhà ông Đĩnh bà thôn, là hàng xóm anh Nong và cũng là hàng xóm thằng Lại.

Lần nào anh Nong cũng bị chửi bóng chửi gió. Lần nào anh cũng sang tận nhà khổ chủ để phân trần và thề độc. Nhưng người ta bĩu môi:

- Giá thề chết được thì chết từ tám đời rồi!

Anh tức lắm, đáp:

- Chửi ai thì chửi đích danh có được không?

 Người ta không chửi đích danh, nhưng chửi đứa vừa đánh trống, vừa ăn cướp. Anh cáu quá, nghĩ: "Họ mất thì họ ức, nên họ chửi. Mình không lấy, mà bị chửi, nên mình ức. Thế thì không lẽ có hai người ức mà lại không có người sướng vì được ăn". Anh để ý dò thằng ăn cắp.

Một hôm, anh sang nhà thằng Lại say thóc nhờ ở bếp. Cả nhà nó đi vắng. Anh khát, chổng mông ấm nước vối lên, cũng không được một giọt. Bỗng anh nhìn lên gác bếp, thấy cái ấm tích. Anh nhấc thử, thấy nặng. Anh ghé mồm vào vòi để tu. Mẹ ơi! Anh ngạc nhiên. Anh mở nắp ra nhìn. Nước trong, váng mỡ nhoáng vàng. Té ra là anh uống phải nước suýt gà. Thảo nào thấy beo béo và mằn mặn.

Anh sực nghĩ ra. Thôi! Đúng rồi. Anh phải làm ra ngô ra khoai mới được.

Anh bỏ thóc đấy, đi quanh hàng rào. Quả nhiên ở hố rác, có nắm lông gà mái mơ còn ướt.

Anh gói tang vật vào lá chuối, đến nhà các hàng xóm, xem ai mới mất gà mái mơ mà chưa biết. Anh sẽ mách cho người ấy ai là thủ phạm những vụ ăn cắp gà.

Bà Vè mất con gà mái mơ thật. Nhưng bà không dám tin anh Nong là nói đúng.

Lúc ấy thằng Lại về, nó xuống bếp, thấy ấm nước suýt gà để chỗ khác và vơi đi một ít. Khi nó biết là anh Nong đã làm lộ bí mật của nó, nên nó phải bảo toàn danh dự. Nó tung cái tin anh Nong ăn cắp gà của bà Vè, còn định vu oan giá họa  cho nó.

Ai cũng tin lời nói dối của thằng giàu. Anh Nong bị cả làng chửi là con người lưu manh, con người thủ đoạn.

Độ ấy lại vừa xảy ra việc một con nữ gián điệp bị bắt. Con Việt gian này giả vờ bế con, nhưng là một hài nhi bị ướp xác, mổ rỗng bụng để giấu tài liệu ăn cắp được vào đó.

Thằng Lại lo ngay ngáy. Nhân việc anh Nong bị tố cáo ăn cắp gà, nó sợ anh tố cáo luôn nó ở hội phản động. Nó bèn làm to chuyện. Nó nhốt anh lại, đưa ra tòa án, về tội ăn cắp gà lại đổ cho người, là phá đoàn kết, chống Chính phủ.

*
*      *

Nhưng anh Nong trốn thoát, đi biệt tăm từ ngày ấy.

Cho đến ngày Đội phát động về xã độ mười hôm, thì đột nhiên, anh lù lù về.

Cả làng nghe tin, lại lo âu.

Buổi tối, anh đến ngay chỗ họp tố khổ. Người ta cố ngồi xa anh, hoặc vờ không trông thấy anh để khỏi hỏi han. Anh mặc kệ, im lặng để nghe, thỉnh thoảng thở dài, gục đầu vào gối.

Người ta cho đó là anh dở mánh khoé, để âm mưu làm một hành động ghê gớm gì đây.

Hôm sau, lúc nhân dân sắp họp, thì ở nhà thằng Lại, gà vịt chạy rầm rầm, kêu quang quác. Và có tiếng: Trộm, trộm!

Nhưng người ta căm thù địa chủ, nên không ai đến cứu. Song ai cũng nghĩ đến anh Nong, lúc ấy chưa có mặt.

Hôm sau nữa, dây điện thoại của Đoàn phát động bị cắt đứt ngay quãng nhà anh Nong. Dư luận căm phẫn nổi lên. Ai cũng muốn tìm cho ra kẻ phản động để đưa ra công chúng vạch mặt.

Lại hôm sau nữa, một anh bộ đội đứng gác (vì có bộ đội đóng ở trong làng), đến chiều, thấy mất cái ba lô quần áo mà anh ta dấu vào bụi cây ở cạnh.

Dư luận càng xôn xao. Đã có người đề nghị đưa thằng lưu manh ra tòa án nhân dân đặc biệt. Người ta muốn ám chỉ anh Nong.

Nhưng anh cán bộ sáng suốt. Anh nghi hành động này là của giai cấp địa chủ bày ra để gieo mối ngờ, cho nông dân chia rẽ nhau, cho bộ đội với nông dân chia rẽ nhau.

Sau buổi họp, anh động viên lòng thành thực của mọi người và ý thức cảnh giác đối với giai cấp địa chủ. Anh nói bộ đội là nông dân mặc áo lính, cầm súng để bảo vệ quyền lợi cho nông dân. Anh kêu gọi tình hữu ái giai cấp, ai lấy ba lô của anh bộ đội thì nên đem trả, nếu không thì cũng cố điều tra xem kẻ gian là ai.

Hội nghị lắng tai nghe. Ai cũng liếc mắt nhìn anh Nong sẽ dò thái độ.

Ông Đĩnh phát biểu:

- Trong khi xã nhà được phát động, mà mấy hôm nay xẩy ra nhiều truyện không hay như thế này, thật là phiền. Tôi có ý kiến là người giác ngộ quyền lợi, thì không nên có lòng tự tư tự lợi, để mang tiếng cho cả giai cấp. Nên đấu tranh với tư tưởng địch mà trả lại anh bộ đội. Đừng để chúng tôi phải khám xét, rồi lại trách.

Anh Nong vẫn gục mặt, ngồi im lặng.

*
*      *

Lúc ấy độ mười giờ khuya. Lớp sắp giải tán. Tự nhiên, anh Nong đúng phắt dậy, giơ tay xin nói:

- Xin phép hội nghị tôi có ý kiến!

Mọi người nhìn nhau, tủm tỉm cười. Họ đợi những lời anh Nong thú tội, anh nói:

- Mấy năm nay, tôi bị thành kiến là lưu manh. Trong làng ai cũng nhất định cho tôi là lưu manh. Vậy tôi đề nghị hội nghị cho tôi nói dài, để xét kỹ xem tôi có phải là lưu manh hay không.

Có tiếng điếu cày rít. Người ta xin nhau thuốc lào. Điếu cày rít liên hồi, ròn rã như tiếng chim hót. Người ta để ý đến điếu kêu, hơn là nghe anh Nong kể khổ.

- Một lần, vì tôi bị thằng Lại nó bóc lột nhân công nhiều quá, không trả tiền, không cho ăn nên tôi đói, mới vào vườn nhà nó, bẻ một quả bưởi. Lần sau, tôi bị đi lỵ. Thấy nhà nó có lá mơ tam thể, tôi định xin, nhưng nó không có nhà, nên tôi cứ lấy. Nó đổ cho tôi ăn cắp mướp. Lại một lần nữa, tôi đào trộm sắn nhà ông Đĩnh. Ông Đĩnh không biết, nhưng bà ấy thấy tôi đã bị đeo tiếng hai lần là ăn cắp, nên cứ réo chửi tôi. Vậy các ông các bà thử nghĩ xem, nếu tôi không bị bóc lột sức lao động, được trả công sòng phẳng, tôi được ăn no, thì tôi có phải bứt bưởi, đào sắn trộm không? Chẳng qua là vì tôi bị thằng Lại nó ăn cướp công, nên đói quá, bất đắc dĩ phải liều.

Bà Đĩnh bĩu môi, nói thầm:

- Thanh minh khéo quá!

Nhưng bà Đắc nhăn mặt, nói:

- Yên mà nghe.

- Bây giờ tôi xin nói sang chuyện hàng xóm mất trộm gà. Ngày ấy, ai cũng nghi cho tôi, đến nỗi tôi có chứng cớ rõ ràng là thằng Lại đánh bẫy gà, thì các ông các bà lại bênh nó, và đổ tội cho tôi là vu oan cho nó.

Vậy tôi thử hỏi, sau khi tôi bỏ làng rồi, xóm ta còn ai mất gà nữa không? Nếu không, thì các ông các bà có quyền nghi cho tôi, vì tôi đi vắng thì xóm được yên. Nhưng nếu xóm ta vẫn còn mất gà như trước, thì hẳn các ông các bà thấy rõ thằng ăn cắp không phải là tôi. Thế thì ai là thằng ăn cắp? Một tôi với một thằng Lại, một đằng vì bị bóc lột, đói quá, mà phải làm liều, một đằng giàu có hẳn hoi mà vẫn có tính gian tham, ăn cắp công, cắp của của người nghèo, thì ai là lưu manh. Nhà giàu dễ đổ cho nhà nghèo là có tính xấu. Người ta sẵn lòng đổ hàng trăm tội lên đầu kẻ nghèo.

Nói đến đây, anh Nong Nhìn mọi người. Đã có những tiếng thở dài khẽ. Người ta cất điếu vào xó cửa, để tránh tiếng rít ồn ào, và lắng tai nghe.

- Các ông các bà đã được học tập thì tôi xin hỏi hạng người nào xấu có nhiều tội nhất? Không như chúng ta, vì hoàn cảnh bắt buộc, những thằng địa chủ, thằng nào cũng tự tạo nên tội ác.

Có một tiếng trả lời to:

- Đúng đấy!

Anh Nong tiếp:

- Nhưng ngày ấy, tôi bỏ làng đi, không phải vì xấu hổ, hay sợ tội. Chính là tôi muốn tránh thằng Lại, nó lập tâm hại tôi. Bề ngoài, nó bịa cớ là muốn trị tội tôi ăn cắp gà. Nhưng sự thực, nó cần trừ tôi, vì sợ tôi tố cáo tội phản động của nó. Nó bắt tôi trước, để nó khỏi vì tôi mà bị bắt, như con Việt gian bế xác trẻ con để đi dò la tin tức cho giặc. Chỉ có tôi là biết nó vào hội phản động, lấy tên là hội Bảo hiểm. Hội này giúp thằng bù nhìn Bảo Đại và giặc cướp nước là thằng Pháp, đánh lại Chính phủ mình. Bảo hiểm chỉ là tên nói lóng. Chính mắt tôi thấy nó họp ở nhà nó, những thằng Chánh Chép, thằng lý Phình, thằng tiên chỉ Chi, thằng cha Quảng, thằng phó hội Tính, và còn nhiều thằng nhà giàu ở vùng này. Chính nó đã rủ tôi vào hội, cho tôi xem điều lệ, nói rằng vào thì được giàu sang. Nhưng tôi yêu cụ Hồ, yêu Chính phủ, không đời nào tôi phản quốc. Tôi nghèo, nhưng tôi không chịu nhục làm Việt gian. Lỡ ra mà thằng Pháp lên đây, bọn chúng nó làm tay sai cho giặc thì liệu làng ta có được như thế này không? Chúng ta có được như thế này không? Chúng nó đáng băm vằm mổ xẻ! 

Anh giơ nắm tay căm thù lên cao. Tất cả ngần ấy con mắt nhìn theo, tức giận.

- Tôi đi lang thang từ ngày ấy đến giờ, chịu đựng biết bao nhiêu khổ cực. Tôi mong một ngày về làng để trả thù nó. Gia đình tôi bị chúng nó đầy đọa mấy đời rồi. Trong chúng ta đây, có ai được chúng nó đối xử tử tế không? Không. Chúng nó có tình nghĩa với ai? Chúng ta bị chà đạp, không thể nào ngóc đầu ngóc cổ lên được, là vì còn chúng nó.

Tiếng thở dài, tiếng chép miệng. Năm sáu người gục đầu lên gối, ngồi ủ rũ buồn.

- Tôi về đến làng thì thằng Lại biết. Nhưng vì nó mất uy thế chính trị rồi, nên nó không làm gì nổi tôi. Muốn tôi mất tín nhiệm, phải bỏ làng đi lần nữa, đừng ra đây tố giác tội ác nó, nên nó bày những mưu kế thâm độc để hại tôi. Nó xua gà vịt chạy tán loạn và kêu là có trộm. Để làm gì? Để cả làng cho là có tôi về thì không được yên. Ai nấy phải ở nhà coi nhà. Buổi họp tố khổ sẽ kém đông. Tôi không rõ ai cắt dây điện thoại, nhưng tôi biết đích là chính thằng Lại lấy ba lô của anh bộ đội. Nó làm thế, để các ông các bà nghi ngờ cho tôi, để chúng ta nghi ngờ lẫn nhau, để bộ đội nghi ngờ nông dân chúng ta. Sở dĩ tôi dám quả quyết là nó lấy, vì tôi đã điều tra, bắt được cái ba lô quăng ở góc vườn nhà nó. Và trưa hôm nay, tôi thấy ở sân nhà nó có phơi một bộ quần áo ka ki.

Tất cả mọi người nhìn anh Nong, như nhìn một người đương kể chuyện quái gở. Rồi lại gục đầu vào gối. Có người ngả đầu vào vách. Có người kề đầu vào nhau. Ai cũng nghe cho thấm thía. Anh Nong ngồi xuống, nói tiếp:

- Từ hôm tôi đến họp, các ông các bà có thái độ nghi kỵ tôi. Tôi biết. Tôi buồn chán lắm, lại định bỏ làng đi lần nữa. Tôi suýt trúng kế thằng Lại. Nhưng anh cán bộ khuyến khích tôi ở lại, và bảo tôi cứ đi họp và tố khổ để bà con nghe.

Thưa tất cả các ông các bà, tôi nói từ nãy đến giờ, các ông các bà có tin tôi là thành thực không? Trước kia, chúng ta chưa được học tập, tư tưởng chúng ta chưa được phát động, thì chúng ta coi giai cấp địa chủ là giai cấp cao quý, sang trọng. Nhưng chúng nó cao quý, sang trọng, vì chúng nó đã ăn cướp cái cao quý, sang trọng của chúng ta. Chúng nó dẫm lên đầu lên cổ chúng ta. Nhưng đến nay thì chúng ta hiểu rằng giai cấp cần lao chúng ta làm ra thóc gạo nuôi sống người. Từ mấy năm nay, nông dân đi bộ đội, đi dân công, đóng thuế nông nghiệp, lại cố tăng sản xuất để giúp kháng chiến chóng thắng lợi. Trái lại, địa chủ thì phản động, làm Việt gian. Chúng nó chỉ mong dựa vào giặc để giữ vững địa vị cường hào, làm hại chúng ta như trước.

Từ ngày Đội về đây, chúng nó cố tình mua chuộc chúng ta. Chúng nó giả nghèo giả khổ để gợi lòng thương của chúng ta. Nhưng có phải chúng nó thực tâm tử tế không? Sao bây giờ chúng nó mới tử tế, và chúng nó tử tế được đến bao giờ. Chúng nó là những đứa quỷ quyệt, trước kia áp bức bóc lột chúng ta, nay thất thế, không làm hại nổi chúng ta thì lợi dụng những người trong hàng ngũ chúng ta làm tay sai để chúng ta hại lẫn nhau.

Anh Nong đang nói, bỗng cánh cửa kẹt mở. Mọi người nhìn. Trong bóng tối, hiện ra một người nét mặt phờ phạc. Người ấy là anh Lọ, một cố nông, ở nhà thằng Lại. Anh Lọ chạy đến, đứng gần anh Nong. Hình như anh này vừa khóc xong, nên hai mắt còn đỏ hoe. Anh giơ ngón tay trỏ lên trời:

- Tôi có ý kiến. Anh Nong nói rất đúng. Tôi đứng ngoài kia, tôi nghe thấy hết. Tôi là thằng khốn nạn. Tôi để cho thằng Lại mua chuộc và nhận làm tay sai cho nó. Chính nó đã xui tôi đi nói xấu anh Nong từ hôm anh ấy về. Chính tôi đã ba tối nay đứng ở sau nhà này để rình và nghe xem những ai tố gì nó, để về ton hót với nó. Bây giờ tôi hiểu rằng anh Nong không lưu manh, thẳng Lại mới là lưu manh. Nông dân không xấu, địa chủ mới xấu. Thằng Lại xấu, thằng Lại đểu, nó làm tôi khổ cực không kém anh Nong. Cho nên nghe anh Nong tố khổ, tôi thương anh ấy quá, tôi cứ nao nao trong lòng, tự xét mình, không sung sướng gì hơn anh Nong.  Nhiều lúc, tôi muốn chạy vào ôm lấy anh Nong mà khóc. Cho nên tôi phải thú tội, với các ông các bà, với anh Nong, với anh cán bộ, là tôi đã làm tay sai cho địa chủ. Nhưng bây giờ thì tôi xin tố thêm rằng, chính thằng Lại đã cắt dây điện thoại. Và anh Nong nói đúng, nó đã ăn cắp của anh bộ đội. Nó cho tôi hai thước vải bạt, bảo đừng nói với ai rằng nó cắt dây thép và lấy ba lô.

Có tiếng quát to:

- Quân phản động!

Anh Lọ gật đầu, nói tiếp:

- Trước kia, ở nhà thằng Lại, tôi bị nó đầy đọa khổ sở mà vẫn không nhận ra nó là kẻ thù. Tôi cứ tưởng chỉ có một mình thằng Lại ác với một mình tôi. Nhưng mấy hôm nay, đứng ngoài nghe, tôi mới thấy rõ là thằng địa chủ nào cũng gian ác, thằng địa chủ ở đâu cũng gian ác, mà nông dân nào cũng khổ, nông dân ở đâu cũng khổ. Giai cấp địa chủ làm nên những tội to lớn không ngờ được. Tôi nghe các ông các bà kể khổ, tính nợ bóc lột, so sánh đời sống của mình với đời sống địa chủ, truy nguyên nguồn gốc khổ, tôi sực nghĩ đến thân tôi, hơn mười năm nay, tôi giật nảy mình. Thì ra tôi cũng bị nó cướp đến hàng nghìn tạ thóc, mà rút cục đến nay vẫn hai bàn tay trắng. Ấy thế mà tôi vẫn tưởng nó tử tế. Hôm nọ tôi còn cho những lời bà con tố khổ là lời bịa đặt, đổ oan cho thằng Lại. Giả thử chính bản thân tôi không bị nó làm khổ, thì không bao giờ tôi tin những lời tố khổ là thực. Có được nghe tố khổ mới hiểu nhau mà thương nhau. Vậy thì trước mặt các ông các bà, các anh các chị, tôi xin nguyện đứng hẳn về phía giai cấp chúng ta mà đấu tranh với chúng nó. Nhất định tôi không thèm trở lại nhà thằng Lại. Tôi dứt khoát với nó từ đây.

Nói xong anh nắm chặt lấy anh Nong. Cả hai người cùng giơ cao nắm tay và cùng hô: Đả đào giai cấp địa chủ! Tự nhiên lớp học cũng làm theo. Ngót trăm người vùng đứng dậy, ngót trăm cánh tay cứng rắn đã tạo nên lịch sử, đâm ra tua tủa thẳng lên không, để nhấn mạnh thêm ý chí sắt đá của những tiếng đả đảo vang ồn đến năm phút.



1955

Mời đọc Bản chụp dạng ảnh

Trong Tập truyện ngắn "Nông dân với địa chủ"



Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
PDF



Mời đọc tại ISSUU
Xem: https://issuu.com/hoan8/docs/11-luumanh




Tham khảo: Các bài viết liên quan
1 - Trung thành00:00
2 - Xóm bến Sim11:50
3 - Lưu manh39:35
4 - Chị Trân học1:02:20


0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉