Ads 468x60px

.

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Địa chủ



Minh họa: Kho tàng truyện hay

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân | 2. Phú Thăng


Mời đọc Bản đánh máy

Địa chủ

Nguyễn Công Hoan


Căn cứ vào những lời tố khổ của anh chị em nông dân xã Quang Trung để khớp những tài liệu ấy cho thành hệ thống, thì ta thấy lịch sử làm giầu của thằng địa chủ Trừng là một lịch sử hết sức nhơ bẩn, lịch sử ấy bôi toèn toẹt bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu của không biết bao nhiêu trung bần cố nông trong mười hai huyện ở Thái Bình.

Bố thằng Trừng xưa kia làm lý trưởng, thuộc vào loại cường hào gian ác. Bố nó đương làm giầu đùng đùng, thì xẩy một năm vùng nó có bệnh dịch tả. Một ông đồ ở làng chết. Bố nó bắt tang gia phải mổ lợn để cúng tế và mời làng, thì mới được đưa bằng đòn. Nếu không thì phải làm ma chui. Nghĩa là vợ con khênh lấy, đốt đuốc mà đưa đi ban đêm, không được khóc lóc. Bà đồ phải cầm ruộng để theo đuổi tục lệ. Bố nó được mời ăn và được biếu cái thủ lợn. Ăn xong, bố nó thượng thổ hạ tả, rồi chết quay lơ ra.

Đáng lẽ bố nó chết, thì hết uy thế chính trị. Nhưng mẹ nó vận động ngay cho nó kế tục được sự nghiệp bóc lột của bố nó. Nó mới có mười bảy tuổi, nhưng khai sinh thặng lên một tuổi, là mười tám, để ứng cử lý trưởng thay bố. Rồi dần dần, nó làm chánh tổng, ăn tiên chỉ.

Thế là hai bố con nó hống hách một vùng trong vòng hai mươi bảy năm, thét ra lửa.

Nhưng từ năm bốn mươi ba tuổi trở đi, nó không làm cái nghề đầu chảy đít thớt nữa. Nó mua hàn lâm, chạy làm nghị viên, lo hàm Quang Lộc, và được thưởng bốn cái mề đay, đeo choáng cả ngực. Và đến năm 1942, thì nó hoàn thành việc xây dựng cho con nó trên đường công danh. Con út nó đỗ tri huyện. Nó được làm cụ cố.

Trước khi bố nó chết, thì cả cơ nghiệp mới có độ mươi mẫu ruộng, toàn thuê người làm. Mẹ nó vốn bị bán thân bất toại, không đi lại được, chỉ nằm dí một chiều. Giá như người khác thì thế là đời bỏ đi rồi đấy. Nhưng con mẹ này thì nằm một chỗ thật, nhưng nội kẻ ăn người làm, đố ai nghỉ ngơi được với nó một phút, và ăn bớt được của nó một trinh.

Nhà nó có đồng hồ báo thức, nên người ăn người ở làm lụng theo giờ giấc hẳn hoi. Đêm trước, nó giao công việc hôm sau cho người làm. Nhưng nó vặn đồng hồ nhanh lên nửa giờ, để mọi người phải đến sớm. Khi gần hết buổi, thì nó vặn chậm lại nửa giờ. Cho nên, ngày nào cũng vậy, từ mười hai giờ trở đi, người làm mới lục tục về đến nhà. Không những nó bóc lột mỗi người mỗi ngày một giờ như thế, mà còn bóc lột người ta bằng cách nói bớt diện tích ruộng nữa. Ví dụ, giao cho ai cấy một mảnh năm sao, thì nó bảo là ba, hẹn buổi sáng phải xong. Bởi thế, người nào cũng phải cố mửa mật. Không xong, nó chửi là lười rồi trừ công.

Khi ở đồng về, anh em đói mèm, mệt lử. Nhưng con mẹ muốn đỡ tốn gạo, thì nó luộc sẵn một nồi đẩy sắn, và thổi cơm muộn. Nó nói ngọt với anh em là xuống bếp giúp một tay cho chóng chín cơm. Trong khi chờ đợi, nó bảo anh em hãy ăn tạm sắn để điểm tâm. Vì bụng ai cũng lép kẹp, nên không ai còn nói chuyện ăn tạm nữa. Anh nào cũng đánh no phích. Đến lúc cơm dọn ra, thì ai cũng bứ cổ lên mất rồi.

Tuy vậy, mà mẹ con cũng không rời mắt xem xét từng người ăn khỏe, yếu thế nào. Nó bảo người đỡ nó nằm lại, để quay mặt ra phía người làm ăn cơm. Nó đếm ngầm từng bát. Anh nào ăn nhiều, ăn mặn, thì nó tìm cớ, đổ cho là ăn cắp, là lười biếng, để không mướn nữa. Một đặc tính của nó là thà chịu nghe người ta chửi là quỵt công, còn hơn là phải trả công.

Thằng Trừng làm lý trưởng, cũng gian ác như những cường hào khác. Nhưng có điều là nó biết cách cư xử với tùy từng người. Nên nó chóng giầu to. Đối với những thằng người mũi hơi lõ, tóc hơi quăn là một, và những thằng người ở ngực có lủng lẳng cái thẻ bài ngà là hai, thì nó cong gập lưng làm đôi để vái và biếu tiền. Còn đối với những hạng lưng đen khố cao, cả ngày lầm lì đi sau con trâu ở ngoài ruộng, thì nó ưỡn ngực lên để chửi và đánh, cùng bóc lột công sức và tiền bạc.

Ông Phiên, cũng như hàng trăm nông dân khác, làm tá điền cho nó, cấy của nó ba mẫu. Một mẫu thu hoạch năm tạ, một mẫu tám tạ và một mẫu mười tạ. Thế mà ông phải nộp tô đồng loạt cho nó tất cả mười lăm tạ. Vì ông không có trâu, không có thóc giống, nên phải thuê trâu của nó, một năm phải trả ba tạ và vay thóc giống của nó, hai mùa là một trăm hai mươi cân.

Vậy thì, thu hoạch có hai mươi ba tạ, ông phải trả cho địa chủ mười chín tạ hai mươi cân, còn có ba tạ tám mươi cân để gia đình năm người, cả lớn lẫn bé, sống trong mười hai tháng. Nghĩa là ăn, mặc, tiêu, nộp thuế, vân vân, lúc khỏe mạnh.

Nhưng nói ba tạ tám mươi cân là nói trên lý luận thôi. Thực tế, trả nợ xong, thì không còn được đến ba tạ. Vì địa chủ thu tô và lấy nợ bằng thứ thùng riêng, to hơn thùng thường. Đáng lẽ nhà ông Phiên, ăn độn quanh năm, thì phải mười tạ mới tạm đủ. Như thế này là thiếu đứt mất chín tháng. Ấy là mới nói đến khoản ăn vào mồm.

Vì thế, vợ chồng con cái ông Phiên phải làm nghề phụ để kiếm thêm, như làm hàng say hàng xáo, hoặc đan lát, chồng mầu, mò cua bắt ốc. Có vay của thằng Trừng cũng chỉ dám vay độ ba tạ. Mà nó cũng chỉ cho vay nhỏ giọt đến ba tạ là cùng.

Cho vay thì nó gạt bằng thùng nhỏ hơn thùng thường, lãi thành bốn tạ rưỡi một vụ. Nhưng đến tháng ba, nó mới đòi, và đòi một phần bằng thóc, một phần bằng tiền. Ngày mùa, tính theo giá năm 1953, thì một tạ là hai vạn ngân hàng, nhưng đến tháng ba thì ba vạn. Nếu có thóc và được trả - hãy nói ví dụ rất vô lý là có thóc - thì nó chỉ lấy cho hai tạ. Còn một tạ gốc và một tạ rưỡi lãi, nó bắt bằng tiền, tức là bảy vạn rưởi. Thế là nó nuốt tươi hai mẫu ruộng. Nếu không có ruộng thì viết văn tự, để đời cha sang đời con, kéo cày mà lo trả cái nợ cõng khỉ.

Ấy là mới nói đến tô chính. Còn như nhà nó có giỗ chạp, ma chay, cưới xin, v.v., cùng tết tháng năm, tháng mười và tết nguyên đán, thì ông Phiên đều phải nộp đồ lễ bắt buộc, theo lệ nó định sẵn, như đường, mứt, cau, rượu, chim ngói, gà thiến. Mỗi năm khoản tô phụ tốn ít ra là năm mươi cân. Không nộp thì bị nó ghi vào sổ nợ, hoặc dọa lấy lại ruộng.

Ngoài việc dùng ruộng đất để chiếm thêm ruộng đất, thẳng Trừng lại còn phát tài bằng những khoản mà nó gọi là lặt vặt. Nó mở sòng cờ bạc, cho vay nặng lãi, quỵt công người ở, bóc lột nhân công người ở, vợ lẽ, con nuôi, con, cháu rể. Nó lại ăn của đút, ăn cắp công quỹ, chiếm ruộng tư một cách trắng trợn, hoặc bằng cách mua rẻ bán đắt, đi lừa và ăn cắp vặt.

Những khoản hiện nay có thể tính được trong thời gian hai mươi bảy năm bố con nó ôm chân đế quốc lấy thần thế để ức hiếp dân làng thì như sau này:

Thuế đinh, mỗi suất nó thu hà lạm 0đ50. Thu của 682 suất được 9.207đ. Tính ra thóc thời bấy giờ là 9.207 tạ.

Thuế điền, mỗi mẫu lạm không đồng 0đ50. Thu của 110 mẫu được 1.485 tạ.

Trong hai mươi chín năm, nhà nó có hai người nai lưng ra làm như con vật, và chịu đánh chửi như kẻ thù. Một người là đàn ông, gọi là con nuôi. Một người là đàn bà, để bị đẩy đọa thêm về nhục dục, gọi là vợ lẽ. Hai người này, khi ra khỏi nhà nó đều trắng tay. Mỗi người làm trung bình mỗi năm hai mẫu, sản lượng mỗi mẫu 11 tạ. Vậy là 1.276 tạ. Họ là cố nông, chỉ nguyên có hai cánh tay lao động, nên thẳng Trừng phải cho ăn, cho mặc, cho dụng cụ. Ăn thì họ ăn độn, với muối vừng, dưa khú tính mỗi ngày một cân thóc. Một năm 720 cân. Hai mươi chín năm, 211 tạ 70 cân. Mặc thì toàn đồ thừa, mỗi năm chỉ được hoặc một áo, hoặc một quần mới may bằng thứ vải mỏng. Tính ra tất cả là 8 tạ 12 cân. Trong hai mươi chín năm, hao mòn dụng cụ 5 tạ 80 cân. Thóc giống, công trâu và phân gio, chính tay họ làm ra và nuôi, nên không thể kể là của thằng Trừng. Vậy thì trong hai mươi chín năm, họ mới lấy ra được có 225 tạ 62 cân. Còn vào túi thẳng Trừng 1.050 tạ 38 cân. Ấy là chưa kể những lợi trồng mầu, nuôi lợn, và những lợi linh tinh khác.

Nó quỵt công của mười sáu người, 87 tạ. Nó lấy hồ và bắt cờ bạc, trai gái, rượu lậu, được lễ 100 tạ 10 cân. Nó ăn những việc sang điền, nộp cheo, xui nguyên giục bị đi kiện cáo, vợ chồng bỏ nhau để xử hòa, nhận thực trâu bò gian, v.v., 45 tạ 30 cân. Nó chiếm ruộng công giá trị 9 tạ.

Không làm lý trưởng nữa, nhưng vẫn nhúng tay vào việc công, nó thu thóc cho Nhật một năm, ăn bớt 10 tạ. Được phát muối bốn chuyến, nó chỉ bán cho làng hai chuyến, gạt bằng que cong, đong bằng bát nhỏ, và tăng mỗi cân ba xu, được 68 tạ. Bán một chuyến diêm, ăn lãi 1 tạ 50 cân.

Thế là chưa kể cái lợi to nhất của nó là thu tô chính, trung bình của 1.200 mẫu, trong mười chín năm, là 228.000 tạ. Và tô phụ của 63 tá điền là 239 tạ.

Tổng cộng trong hai mươi chín năm, nó cướp không của nông dân mất 230.302 tạ 28 cân thóc.

*
*      *

Có tiền, nó làm gì chẳng được. Nó quen và chiều chuộng từ thằng Thống sứ trở xuống cho đến anh lính lệ. Nó bắt dân làng đắp rộng con đường từ đường cái đá hàng tỉnh vào làng. Để ô tô các quan đi vừa. Hai bên, trồng phi lao cao vút. Gần cổng làng, trên khoảng một mẫu, nó dựng sinh phần, để sau này chôn nó. Nhưng may cho nó, là tường mới xây xong, thì Tổng khởi nghĩa. Cho nên nó bỏ dở cái việc lố bịch ấy. Bộ tượng tứ dân, đắp bằng xi măng, to tướng, giả đồng đen, rập đúng kiểu tượng sĩ nông công thương ở vườn hoa Canh nông Hà Nội, còn nằm chỏng gọng ở ruộng, chứ chưa lên bệ. Người qua đường, không biết dùng danh từ sinh phần, nên gọi chỗ ấy là nghĩa địa. Họ rủa: "Nghĩa địa nhà nó rộng thế này, thì chôn bao giờ cho hết người!"

Dinh cơ nó ở còn rộng gấp năm sinh phần của nó. Khu vực vuông vắn ấy, có tường xây xung quanh bằng đá ong, cao bốn thước. Mặt tường trồng xương rồng. Chỗ nào không có xương rồng, thì cắm mảnh chai mảnh sành. Hoặc cho tẩm xuân leo kín. Bốn góc có bốn chòi canh nhô cao lên.

Anh muốn vào nhà nó? Thì trước hết anh phải chuẩn bị tư tưởng, là đừng sốt ruột, vì phải chờ. Giật chuông xong, anh hãy đợi ít ra là năm phút. Khi nghe tiếng gót chân người ở trong chạy ra, anh chớ vội mừng là cổng sẽ mở cho anh vào. Không! Anh người nhà ra đó, mới nhấc cái cửa ở lỗ cỏn con phía trên lên, ngắm anh, rồi hỏi tên anh là gì, hỏi ai, có việc gì. Khi anh trả lời xong ba câu đó, thì lỗ nhỏ lại đóng kín lại, và đề nghị anh hãy đợi một lát nữa. Độ mười phút sau, khi có lệnh, anh mới được vào.

Lúc ấy, thì một cánh cổng hé mở ra, rít trên bánh xe. Anh chịu khó mà lách vào. Cửa ấy chỉ mở cho vừa một người đi, không phải không có duyên cớ. Một là nó nặng quá, đè chịt lên cái bánh xe, không cựa nổi trên mặt đất gồ ghề. Hai là nó chỉ cốt cho từng người vào một để lỡ có nhiều kẻ gian, thì không thể một lúc cùng ùa vào, nguy hiểm cho người mở cổng.

Anh theo con đường thẳng, dài giữa hai cái ao rộng, nước đục ngầu. Rồi qua cái cổng thứ hai, nhỏ hơn, nếu anh yếu bóng vía, thì anh sẽ giật nảy mình, vì có đến chục con chó to lớn, cứ nhe răng; nhẩy lên anh chồm chồm mà cắn.

Khi đàn chó được người mắng, mỗi con đi một ngả, anh đỡ trống ngực và đỡ hoa mắt. Thì anh được bình tĩnh mà nhận xét. Anh thấy lố nhố một lũ nhà gạch nhỏ, cái nào kiểu cũng ngô nghê, nhưng rất kiên cố. Những nhà ấy làm ở giữa những vườn cây ăn quả, trông rất vô tổ chức. Đó là nhà thờ, nhà cụ, nhà ông, nhà bà cả, nhà bà hai, nhà bà ba, nhà kho, nhà bếp, nhà xí, v.v., và đến ba bốn cái nhà khách. Tùy hạng, khách được tiếp trong tùy từng nhà.

Có lẽ anh ngạc nhiên và muốn tìm xem thằng Trừng chứa thóc ở nhà nào. Phải là một cái nhà to lớn lắm mới đựng đủ thóc của nó.

Thì đây, những nhà lắt nhắt vừa kể trên kia, cái nọ xây cách xa cái kia, không phải là vô tình và vô ý. Đấy là những tên lính đứng quanh một khu ở giữa, để canh. Khu vực ấy cũng có tường cao bốn thước quây kín. Đứng ở ngoài mà nhìn, ta chỉ thấy có tường, và phía trong, hiện lên những cái mái tròn chúp nhọn như hình cái nón, lợp bằng lá gồi. Nhưng nếu anh lách mắt qua cái kẽ ở khe ván của cái cửa độc nhất, hẹp độ tám mươi phân, thì anh mới rõ nghĩa đen của danh từ cây thóc. Nó là một cái bệ bằng xi măng, xây cao hơn mặt đất, tròn, đường kính độ mười thước. Thóc quây trên bệ, nó bằng liếp, trét bằng từng cây tre lớn. Thóc nhiều, thì ken liếp cho cao dần, một lần, hai lần, ba bốn lần. Và khi nó cao trên mười lăm thước, thì lợp mái lá, hình cái nón, lên trên. Tóm lại, cây thóc là cái cót thóc, nhưng khổng lồ và kiên cố. Trong khu vực ấy có tất cả chín cây thóc cao lồng lộng như thế.

Thóc chứa trong chín cây ấy là thóc của một nghìn hai trăm mẫu ruộng, do bàn tay lao động của nông dân làm ra. Ruộng làng, ruộng làng lân cận, ruộng làng xa, và cả ruộng trong mười hai huyện ở Thái Bình. Đến bây giờ, bốn bố con nó chiếm ước năm nghìn mẫu, và chúng nó ở riêng một khu vực giữa làng, nhà gạch san sát, trông xa như một thành phố nhỏ.

Ở các xã có ruộng, nó đều có anh em, cháu họ, cháu rể, hoặc những người hàm ơn với nó và cứ nhận nó là bố nuôi. Nó chạy cho những tay sai ấy làm lý phó trưởng, chánh phó hội, chánh phó tổng. Có đứa cũng được làm đến nghỉ viện. Cho nên nó không đánh rơi vãi một hạt thóc và cũng không bị quỵt một xu nợ nào.

Con nó đứa nào học cũng dốt như mèo. Nhưng khi chúng nó rời ghế nhà trường về, để theo đuổi nghề bóc lột và ăn cắp, là cái nghề gia truyền thì học một biết mười, đứa nào cũng giàu ùn ùn. Chả thế mà thằng Trừng nhiều lần, đã phải than thở bằng một câu, lẫn lộn cả ý nghĩa nhũn nhặn với kiêu ngạo:

- Ở nhà tôi, chữ thì lôi nó vào, mà nó cứ ra, nhưng tiền thì đẩy nó ra mà nó cứ vào.

Nó cũng thấy cái danh giá hường mua và nghị gật của nó là danh giá hão. Người ta chỉ trọng trước mặt, và sau lưng thì chửi thầm. Cho nên, nó vẫn căm với chữ. Vì vậy tốn kém mấy, thì nó cũng quyết tâm đến kỳ được cho thằng con út theo học đến tri huyện. Vì thằng này có khiếu hơn cả những thằng anh.

Thằng Trừng đã đạt được nguyện vọng bằng tiền. Như thế này.

Nó biếu tên đốc học trường tỉnh một cái lọ đồng đen, để xin cho con nó vào lớp đồng ấu, tức là lớp bét. Từ lớp đồng ấu đến lớp sơ đẳng, nó đi lại, tết nhất, các ông giáo rất hậu. Để cho con nó được lên lớp đều đều. Con nó thi Sơ học yếu lược. Nó thết tiệc cả hội đồng chấm thi. Rồi nó đút tiền cho con nó trúng tuyển vào lớp trung đẳng năm thứ nhất. Thằng bé đỗ bằng Tiểu học tốt nghiệp và thi vào cao đẳng tiểu học cũng bằng tiền. Học đến năm thứ hai, nó thấy rằng con nó nên học trường Tây thì mới quen được nhiều Tây con, sau này có thể là những quan thầy. Muốn cho con nó được học trường ấy, nó làm quen và biếu xén tên đốc học, và các giáo viên ở lớp mà con nó sẽ thi vào. Nó xin cho con nó học từ giáo viên văn học và ở trọ nhà giáo viên toán học, trả tiền rất đắt. Mấy kỳ thi tú tài, con nó cũng đỗ bằng tiền. Nó lại rắc tiền đến trường luật. Rồi mấy kỳ thi Luật khoa cử nhân, là mấy lần nó tốn kém. Năm con nó thi tri huyện, thì nó làm cái nước rút. Nó khấn vạn ba bạc cho thằng Phạm Quỳnh, Thượng thư bộ Lại trong triều đình bù nhìn của thằng Bảo Đại.

Thế là con nó được đỗ bét.

Trời ơi là mừng!

Pháo nổ. Chim, gà, vịt, lợn, bò, trâu, chết như rạ!

Để khao cậu huyện nhà nó, nó mắc điện về tận làng, tối thắp sáng trưng. Nó cấm người làng, một tháng, không được bếp nhà nào có khói. Nghĩa là già, trẻ, lớn, bé, cứ đến nhà nó, tha hồ ăn. Nhưng cũng có nghĩa là đến mà hầu hạ khách khứa và bỏ sản xuất. Và lại cũng có nghĩa là nó mở hàng thịt bán cho cả làng. Vì ai đến ăn mà dám vác mồm không, không đem đổ mừng. Nhưng tất cả đều không có nghĩa nữa, nếu ta thấy rõ cơm, rượu, thịt, mà nó cho người ta ăn, chính là của người ta lao động làm ra, mà nó đã cướp đi từ trước.

Tất cả người thân thích, quen thuộc, tá điền, và những người mắc ơn huệ với nó trong tỉnh, đều có mặt ở đám khao. Nó còn mời khách sang trọng ở các tỉnh, tức là quan thày, bạn bè của nó, và của con nó. Anh ở Phú Thọ chẳng hạn, nếu anh đã nhận lời mời, thì anh muốn đến vào ngày nào, tùy ý. Không có ô tô của nó tới tận nơi đón, thì anh có thể thuê xe riêng về nhà nó. Nó trả tiền. Anh ở nhà nó ăn, hút, hát, chơi bời, cho thỏa thuê, phè phỡn, chừng nào anh thấy chán ngấy, nằng nặc đòi về, thì nó tiễn ô tô anh đến tận nhà.

Ngoài những bữa tiệc hàng ngày đã là xa phí, người ta còn phải lắc đầu lè lưỡi về bữa tiệc nó thết con vợ thằng Thống sứ.

Thằng Trừng vận động để con mụ này nhận lời. Con mụ này có quyền mời bạn hữu của mình, gồm bốn mươi đứa, toàn Tây đầm đến dự tiệc, ở nhà thằng Trừng. Ăn xong, nhảy đầm suốt đến sáng. Từ đường cái vào, trải toàn chiếu cạp điều mới, cho ô tô vào làng. Cờ quạt, hương án, long đình, bày ra để bái vọng. Phường kèn của thằng Hoàng Trọng Phu thổi chào.

Trong nhà trang hoàng toàn bằng màu lụa và hoa tươi mua tận ở Đà Lạt. Cơm thì đặt ở khách sạn Mê-tô-pôn Hà Nội, bồi về tận nơi để phục dịch. Rượu phải gửi ở Sài Gòn ra. Rửa tay toàn bằng nước hoa.

Mỗi khẩu phần ăn một giờ đồng hồ như vậy tốn 135đ. Tất cả là 5.400đ. Các thứ trang trí và nước hoa, tốn 7.000đ. Tổng cộng là 12.400đ.

Năm ấy là năm 1942. Năm ấy giặc Pháp bắt đầu làm đày tớ thu thóc cho giặc Nhật, để ba năm sau, giết hại hai triệu đồng bào ta.

Năm ấy, một người nông dân ăn một tháng, tốn có 0đ80.

Nếu lấy tiền phí tổn một bữa tiệc một giờ này để nuôi nông dân, thì một người nông dân có thể sống được trong 15.500 tháng. Hay ngược lại 15.500 người nông dân có thể sống trong một tháng. Hay nói giọng phúc đức, năm 1945, hơn 3.000 nông dân thoát được nạn chết đói, vì được đủ ăn năm tháng để đợi đến mùa sau.

Nếu kể tất cả các món chi tiêu từ khi thằng tri huyện ấy bắt đầu đi học, đến năm nó đỗ, cho đến sau ngày khao, thì không biết đến cơ man nào là tiền bạc. Nếu xếp đống tiền bằng đồng bạc 27 gam của ta tiêu trước, thì phải cao gần bằng cái núi xương trâu bò, mổ vừa rồi, chất ở ngoài vườn.

*
*      *

Địa chủ làm giầu như thế, ăn tiêu như thế, không trách nông dân muốn khỏi chết, phải vùng dậy mà đấu tranh để tự cứu lấy mình.




Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
Trong Tập truyện ngắn "Nông dân với địa chủ"



Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
PDF


Mời đọc tại ISSUU



Tham khảo: Các bài viết liên quan


1 comments:

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉