Ads 468x60px

.

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Chị vú em



Minh họa: Kênh Cô Vân

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân | 2. Phú Thăng | 3. Quỳnh Hoa

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
3 Kênh 4 Video
1. Kho tàng truyện hay | VTC Sách hay - Diễn đọc: NSUT Phú Thăng


Mời đọc Bản đánh máy

Trong Tập truyện ngắn "Nông dân với địa chủ"

Chị vú em

Nguyễn Công Hoan


Vợ thằng Tần, là con dâu cả của con mẹ địa chủ Hương, mới đẻ con trai. Cả nhà quý như vàng. Nhưng thằng bé gầy nhom, vì sữa mẹ nó đã ít lại chua. Nó ăn sữa bò không chịu. Mấy hôm nay, nó khóc sa sả cả đêm, vì đói.

Về việc nuôi trẻ, thằng Tần đồng ý là sữa người tốt nhất. Nhưng nó không tán thành việc bắt vợ nó cho con bú. Nó cho rằng người đàn bà phải là cái hoa, cần giữ sao cho hương sắc lâu tàn. Nghĩa là người đàn bà phải trẻ lâu, đẹp lâu. Người đàn bà nuôi con thì chóng già, chóng xấu. Vì đôi vú sẽ tét đi, bộ ngực dẹp lại. Dùng sữa nuôi con, thì mẹ phải gầy. Đêm hôm thức giấc, thì mẹ phải yếu. Con chơi đã vậy, con hay quấy, thì mẹ sinh ra cáu kỉnh, gắt gỏng. Thiệt hơn nữa, là người chồng phải kiêng nằm chung. Vì lỡ ra, mẹ có mang cho con bú sữa trong thì con yếu.

Vì nghĩ như vậy, nó đòi mẹ nó nuôi cho vợ nó một người vú em. Nhà có của, hà tiện làm gì mà không trút cái vất vả cho người khác.

*
*      *

Ở trong đồn điền, có vợ anh Bao cũng mới ở cữ trước vợ thằng Tần nửa tháng. Chị Bao khỏe mạnh, nên sữa tốt, nuôi thằng bé con, cứ lớn phổng như thổi.

Tin ấy đến tai con mẹ Hương. Con mẹ đến tận nhà anh Bao để xem. Nó thấy thằng bé bụ quá, ngoan quá, bú no là thức chơi, cứ toét mồm ra cười như con chó. Chơi chán thì ngủ im thin thít. Mới hơn hai tháng đã biết hóng chuyện, và tập lẫy.

Anh chị Bao thấy tự nhiên con mẹ Hương đến nhà, biết là sẽ có chuyện. Vì nhà có nợ nó bốn thùng thóc.

Quả nhiên, sau khi con mẹ ngắm nghía thằng bé, thì nó bảo chị vắt sữa vào gan bàn tay nó, cho nó xem. Nó đưa ra sáng, nhìn kỹ. Bỗng nó đả động đến món thóc nợ. Nó dỗ chị ở vú cho con nó, thì nó trừ cho. Nhưng chị nói:

- Nợ thì bà rộng cho đến tết, chả còn mấy ngày nữa. Chứ cháu đi thì không ai nuôi con cho cháu.

Nó bảo:

- Bố nó trông cũng được chứ sao? Thằng bé ngoan, dễ nuôi, cho ăn cơm, càng chóng cứng cát.

- Bố cháu vụng lắm, bà ạ. Bế con thì cứ như bưng, mấy lần suýt đánh ngã.

- Đàn ông gì mà đoảng thế. Để vợ đi làm thì được ăn no, mặc lành, được đỡ một miệng ăn, lại được công để trừ nợ. Thế không hơn à.

Anh bao suy tính hơn thiệt, nói:

- Nhưng nhà con đi vắng, con phải bận về cháu, thì mất hết việc. Mà lúa xấu, thì phải nộp cho bà thóc xấu.

- Tao không cần xấu tốt, tao chỉ cần vợ chồng mày nghe tao.

Anh lắc đầu:

- Vợ chồng con sợ ông bà thật, ơn ông bà thật, nhưng đi thì nhà neo người.

Thấy nói ngọt thế mà anh không nghe, thì nó bắt đầu sốt ruột. Vì xưa nay nó có phải nói với ai nhiều lời bao giờ. Nó xẵng:

- Tùy vợ chồng mày đấy, món nợ ấy đã lâu rồi. Tao không cho chịu nữa. Bàn kỹ với nhau đi, muốn hay được hay, muốn dở được dở.

*
*      *

Con vợ thằng Hương về. Chị Bao chỉ thở dài. Món nợ ấy không ngặt, nhưng vì ý nó muốn bắt chị ở vú em cho con nó, nên nó làm ra ngặt. Trái ý nó, thì nó làm đủ tình đủ tội.

Anh Bao vốn ít nói, nên chỉ lặp đi lặp lại có một câu:

- Không đi, không giả. Muốn làm gì thì làm.

Thì nó làm như thế này:

Nó cho vợ anh Hoành đến thúc nợ thay cho nó. Chị này có tiếng là nói dai, nói sỗ, và lắm mánh khóe. Chị Hoành đến, không nói gì với chị Bao. Nào chuyện bà chủ đã làm ơn mà cho vay, bà đã tử tế mà cho chịu, nào chuyện những ai không trả được nợ thì bị như thế nào, rồi chị bảo anh Bao nên cho vợ đi ở vú, thì vừa được êm thấm vừa được sung sướng.

Anh Bao phải ngồi mất thì giờ và mất công việc. Nhưng không có lẽ bỏ khách nợ để đứng dậy. Anh không đáp bằng những câu cộc lốc, nhưng vẫn có những ý nghĩ cộc lốc là: không đi, không giả, muốn làm gì thì làm.

Chửa đạt mục đích là bắt chị Bao đến ở vú, vợ anh Hoành rất kiên tâm. Lần nào chị ta cũng chỉ nói ngần ấy câu, nhưng chỉ cốt nói dài cho anh Bao mất việc. Nếu không muốn mất thì giờ, anh chỉ có việc ừ một tiếng là xong.

Nhưng anh không ừ. Và chị Hoành còn đến. Trước thì dăm hôm một lần, sau thì ba hôm. Từ hai mươi lăm tết trở đi, ngày nào chị cũng đến.

Anh Bao trước sau không thay đổi ý kiến. Cho nên chiều ba mươi tết, chính con mẹ Hương thân hành đến, nó tông tốc chửi từ ngoài cổng, chửi vào, rồi sồng sộc đến bàn thờ, lấy bát hương để xuống đất, vén váy đái vào tồ tồ.

- Mày mà để cháu bà đói, thì ra giêng, bà còn sai đào mả bố mày lên nữa kia, chứ đừng bướng.

 Nó làm như cháu nó đói là tội ở nhà chị Bao vậy.

*
*      *

Cực chẳng đã, hôm mùng bốn tết, chị Bao phải mếu máo, bỏ con ở nhà, xách cái bị quần áo, đến nuôi con cho vợ thằng Tần trẻ lâu và đẹp lâu.

Từ ngày chị ở cữ, lần này là lần đầu tiên, chị bế đứa con người khác. Chị thấy nó hờ hững thế nào ấy. Chợt chị nghĩ đến chị phải nuôi thằng bé như con, thì chị cố âu yếm nó bằng tâm tính của người mẹ. Nhưng sực nghĩ đến con chị ở nhà, không có sữa thì đói, mà chị thì phải lấy sữa mình để nuôi cháu cái con người gian ác đã đái vào bát hương thờ, để khỏi đào mả bố, thì chị không thể nào vui vẻ được. Khổ tâm nhất là mỗi khi sắp cho thằng bé bú, thấy hai đầu sữa căng ra, thì con mẹ Hương lại bắt chị bắt bớt đi "kẻo sữa xuống mạnh quá, thì anh sặc". Chị nghĩ đến đứa con chị ở nhà lúc này, trong khi chị phải vứt sữa đi, thì nó không có sữa mà bú, có lẽ đương khóc ngằn ngặt.

Ở đây khác hẳn ở nhà. Ăn thì bữa nào cũng cơm thật trắng, thỉnh thoảng được cả cái chân giò hầm với hoa chuối. Cả ngày, chả phải làm việc gì. Nằm thì có giường êm, chiếu sạch, màn rộng và cao. Nhưng chị vẫn nhớ. Nhớ con, nhớ chồng, nhớ nhà, nhớ ruộng, nhớ cảnh làm lụng một nắng hai sương, nhớ cái giường long, nhớ cả con muỗi nó vo ve cạnh tai, làm mất ngủ.

Chị tủi thân luôn. Nhưng không bao giờ dám khóc ban ngày, và khóc ra tiếng. Chị muốn thương yêu thằng bé như con, nhưng không thể. Con chị dắn dỏi kia, chứ không ươn hèn như nó. Có lẽ hôm nay đã lẫy mạng rồi.

*
*      *

Một hôm, anh Bao nhắn tin cho chị biết rằng con ốm nặng, chị phải về ngay.

Chị như bị sét đánh ngang tai. Chị điên cuồng, sồn sồn đi về.

Từ hôm con chị vắng mẹ, thì nó đâm ra hư. Nó không chịu ăn cơm, không chịu bú chực và hay quấy. Nó còm dần, xanh đi. Đặt đâu là nằm đấy, không nghịch như trước, không cố nghiêng mình để tập lẫy như trước. Được độ một tháng, nó sút hẳn đi, chỉ bằng nửa trước. Nó ốm từ lâu, nhưng anh dấu chị. Đến nay, nó quá lắm, có thể không sống được. Bất đắc dĩ, anh phải gọi chị về. Nhưng không biết gửi con ở nhà cho ai trông nom để đi xin phép cho chị, nên mãi đến phiên chợ này, anh mới nhắn được tin.

Chị đòi về, ruột nóng như lửa đốt.

 Nhưng vợ chồng thằng Hương và vợ chồng thằng Tần không cho về. Nó còn mắng là vẽ, trẻ con đầu giăng cuối giăng bị nóng là thường, việc gì phải nhắn với nhe.

Vợ chồng thằng Tần còn đoán già là vợ chồng nhớ nhau thì bịa ra như thế đấy thôi. Vú em mà về ở nhà cách đêm là một việc tối kỵ. Không phải nó sợ con nó đói, mà nó sợ rồi con nó bú phải sữa trong. Con mẹ Hương nhiều kinh nghiệm hơn, và tự phụ thông minh hơn, nói:

- Có phải bây giờ vú thấy anh hợp với vú thì định giở mặt để bắt bí chúng tao không? Cái thói chúng mày vẫn thế.

 Chị nói thế nào, chúng nó cũng cương quyết không cho chị về. Vả chị biết nói thế nào? Có thể là chúng nó nói đúng, là anh nhớ chị. Có thể là con chị chỉ nóng soàng. Lại cũng có thể là anh bịa ra tin con ốm để bắt bí, đòi chúng nó trả thêm công.

Mắt chị có trông thấy con chị, từ khi vắng chị, thì nó ra thế nào đâu. Chị chỉ biết là nó ngoan, hay ăn, chóng lớn.

Nhưng chị vẫn cứ sốt ruột, sốt ruột không thể nằm yên được.

Đến khuya, sau khi chị vắt bớt sữa thừa để cho thằng bé bú một bầu thật no, và lừa nó ngủ say, chị lảng vào buồng, bốc trộm một nắm gạo tám, rồi rón rén chui qua hàng rào, về thăm con.

*
*      *

Chị vừa đi vừa lo. Về thăm con, là chị làm một việc tối mạo hiểm, phi pháp. Nó bắt được thì chết. Con ốm thực thì còn có lý mà nói. Chứ mà con không ốm, thì thế nào chị cũng phải đánh, và phải chửi hàng mấy ngày. Nhưng dù có phải đánh phải chửi mấy đi nữa, thì chị rất cam lòng chịu đựng, chứ không thể nào chị dám mong con ốm để lấy lý thực mà đỡ đòn.

Đến sân nhà, chị lắng tai nghe. Không thấy, một tiếng động.

Nhưng thoạt bước vào cửa, chị đã thấy tiếng anh:

- U nó đấy à? Tao mong mãi.

Thì ra anh vẫn còn thức. Và vẫn mở mắt. Vì mong chị hàng phút hàng giây. Chị ứa nước mắt:

- Bố nó chưa ngủ à? Thằng cu thế nào?

- Phải, tao chờ u nó. Thằng cu... không khéo thì hỏng.

Chị rụng rời chân tay, nức lên khóc. Chị chạy đến sờ chỗ con nằm. Chị ôm lấy nó, bế vào lòng. Nó nhẹ tọp. Anh nói:

- Từ chập tối, đâm ra sài uốn ván.

Chị chu lên. Thằng bé giật mình. Chị rung rung, vạch vú kề vào mồm nó. Mấy tháng nay nó thiếu sữa mẹ, nhưng lúc này, nó không bú. Chị lắc cái đầu vú, nhét vào miệng nó. Nó không mút. Chị vắt sữa vào. Nhưng sữa chảy ra ngoài, làm ướt tay áo chị. Nó không nuốt. Và cũng không khóc.

Trong khi ấy, anh Bao thổi lửa ở bếp. Ánh sáng lập lòe chiếu vào mặt con. Chị không ngờ nó gầy thế. Hai hàng nước mắt chị dòng dòng. Chị hỏi:

- Có cho con thuốc thang gì không?

- Có khối người mách thuốc. Tôi cũng nhờ cả đi tạ mộ rồi.

Chợt chị Bao nghĩ đến cái bát hương chiều hôm ba mươi tết. Chị lại nghĩ đến thằng bé con con Tần. Thằng bé đẫy hơn con chị và từ ngày được bú sữa chị, thì chơi ngoan. Nhưng không biết giờ này nó ngủ yên, hay đương khóc. Tay bế con mình mà bụng lo cho con người, chị thấy tủi cực quá. Chỉ tại bốn thùng thóc nợ. Chị nghiến răng:

- Đời ơi là đời!

Thằng bé lên cơn sài. Nó cứ trợn mắt, rướn cong người lên. Chị nhìn con, mặt nhăn nhó. Nhưng chị không thể đau đớn thay nó. Một lát, chân tay nó giật. Anh khóc. Chị khóc. Thằng bé lịm đi. Chị lay nó. Anh lay nó. Hai vợ chồng rưng rưng nước mắt nhìn nhau. Thằng bé chết.

Không rõ lúc bấy giờ chị căm hờn địa chủ, hay oán giận cảnh nghèo, hay hối hận tội lỗi không nuôi con, hay thương thằng bé chết đói, chị nằm lăn ra đất, đập chân, đập tay và kêu trời. Nhưng anh ngăn:

- Đừng làm ầm lên, hàng xóm láng giềng sang, thấy u mày thì không tiện. Bây giờ u mày cứ lại về đằng ấy. Sáng mai tao đến báo tin, rồi hãy về ở lâu.

Chị cho là phải, lau nước mắt, ngồi dậy, và đứng lên. Chị nhìn con, nhìn chồng, nhìn nắm gạo tám. Gan ruột chị như bị đứt từng đoạn. Chị vừa thút thít vừa ra hè, xuống sân rồi ra cổng.

Chị về nuôi cháu con mẹ địa chủ, để trừ bốn thùng thóc nợ, để nó đỡ đái lần thứ hai vào bát hương và để nó khỏi đào mả bố.

Cho nên ra đến đường, chị rảo bước. Chị đi vội, vì lo thằng bé đói và khóc, sợ chúng nó biết rằng chị đã lẻn về nhà.




Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
Trong Tập truyện ngắn "Nông dân với địa chủ"


Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
PDF



Mời đọc tại ISSUU


Tham khảo: Các bài viết liên quan



0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉