2. Mời đọc Bản đánh máy
3. Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
4. Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
5. Mời đọc tại ISSUU
6. Tham khảo: Các bài viết liên quan
Mời nghe đọc
Mời đọc Bản đánh máy
Xóm Bến Sim
Xã Bình Dân có mười xóm. Xóm nào cũng trên dưới một trăm nông hộ. Duy có xóm Bến Sim là bé nhất, đất rộng người thưa, hai mươi ba gia đình ở lơ thơ, xa nhau, trên khoảng chừng bốn cây số vuông. Xóm ấy trước kia thuộc xóm An Ninh. Nhưng từ sau phát động giảm tô, hai mươi ba gia đình này mới rời khỏi An Ninh, để lập riêng một xóm, lấy tên là xóm Bến Sim.
Người ta nói là cả cái khoảng rộng của Bến Sim bây giờ, gồm những thửa ruộng lúa nặng trĩu bông vàng, và những con đường màu gan gà lượng từ sườn đồi này sang sườn đồi khác, nối nhà nọ với nhà kia, cho đến tận huyện, tận thị xã, thì ngót ba mươi năm về trước, chỉ là rừng hoang, cây cối rậm rạp, rắn rết, cầy cáo rất nhiều. Lắm buổi sáng có cả vết chân cọp.
Người khai thác đầu tiên chỗ đất hoang này, hiện nay là một trung nông có bốn mẫu ruộng. Dân cả vùng vẫn gọi ông là ông Hai Mạ.
Ông Hai Mạ quê ở Gia Lâm, nhà có ba mẫu ruộng vào hạng nhất đẳng điền. Năm 1926, nước sông Nhị Hà lên to và nhanh quá. Nhưng nhân dân vẫn giữ vững những khúc đê xung yếu. Năm mấy phố Bờ sông chưa được chắn bằng con đê cao như bây giờ, nên nước có thể tràn vào Hà Nội. Muốn cấp cứu thành phố, sở Lục lộ Pháp không kịp mở các cống ở Vĩnh Yên. Chúng nó nổ mìn ngay khúc đê bên Gia Lâm, đối diện với Hà Nội.
Thành phố trung tâm chính trị thực dân được thoát nạn. Nhưng nước sông Nhị Hà tàn phá bốn tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Phúc Yên, biến đồng ruộng, làng mạc thành một biển nước trắng xóa mất mấy tháng.
Khi nước rút, ông Hai Mạ trở về quê nhà. Ông thấy gia đình chết mất bảy người, duy còn anh thứ ba, với ông, là em thứ tám, sống sót.
Nhưng đế quốc lại nhờ thiên tai đưa phù sa bồi cao cánh đồng thành bãi phẳng rộng, để cắm mấy trăm mẫu làm trường bay.
Bị thêm nhân họa, gia đình ông Hai Mạ đương là trung nông, sống cảnh no đủ, thì tự nhiên lại tụt xuống là cố nông, trong tay không có một thước đất.
Hai anh em ông đành phải gạt nước mắt, rời quê hương, dắt nhau đi ăn mày để lần lên Thái Nguyên, định nhờ người cháu gọi bằng cậu ruột, tên là Đáp, nghe nói bây giờ Đáp đã có ruộng cấy trâu cày.
Sở dĩ anh em ông đến thằng Đáp, vì nghĩa tình máu mủ ruột thịt.
Hồi còn bé, mồ côi cha, vả bên nội nghèo, nên thằng Đáp được ông ngoại nuôi cùng với các cậu. Năm lớn tuổi, nó đi lập thân, lên tận Thái Nguyên, làm ruộng thuê ở xã Bình dân bây giờ. Ở đấy, nó tằng tựu với con gái thằng Chánh Cóc, rồi lấy nhau, được chia ba mẫu ruộng phát canh thu tô.
Hai anh em ông Hai Mạ gặp thằng Đáp. Trước hết, nó mổ gà thết cơm rượu. Nhưng nó biết hai cậu hiện nay khánh kiệt, đến đây để làm phiền vợ chồng nó, thì nó bắt đầu lãnh đạm. Một hôm, chúng nó giả vờ đi vắng để không thổi cơm. Hai anh em ông đói, vào buồng tìm gạo, nhưng không thấy. Đến quá trưa, anh ông vào bếp, vét nồi cơm nguội. Vừa bốc bỏ vào mồm thì thằng chồng về. Thằng khốn nạn đẩy anh ông ngã dúi, giật lấy cái bát. Nó chửi là quân ăn cắp, tống hai cậu ra khỏi ngõ nhà nó.
Hai anh em ông ôm nhau khóc. Nó suỵt chó ra đuổi. Cái áo của ông chưa đến nỗi rách quá, nay toang hẳn cả cái lưng. Anh ông bị mất một miếng thịt đùi. Ông phải ghé vai vào cõng, để chạy mới thoát.
Ra đến xa, ông đặt anh ông xuống, nhìn lại nhà thằng cháu tệ bạc, giơ nắm tay, mắm môi nói:
- Rồi đời mày với đời tao, xem ai khổ ai sướng? Mày cậy giàu khinh nghèo. Nhưng anh em tao cậy có hai cánh tay khỏe. Chúng tao không hèn. Quyết thế nào chúng tao cũng lại có ruộng.
Hai anh em không ăn xin nữa, mà đi nhổ mạ thuê. Vì hiền lành, thực thà, chăm chỉ, nên ai cũng thích mướn. Người ta hỏi thăm nhau để tìm. Vì không biết tên là gì, nên người ta gọi anh em ông là ông Cả và ông Hai Mạ.
* *
Một hôm, ông Hai Mạ bảo với anh:
- Ta không nên làm thuê làm mướn mãi, vì cùng lắm, chỉ đủ ăn hai miệng, mà suốt đời vẫn tay không. Hai bàn tay ta phải làm cho ta thành chủ đời ta, chứ không làm mãi đầy tớ người. Bán hết cả sức cho người, thì còn sức đâu mà gánh vác gia đình cho mình được.
Thế là ông bắt đầu đi tìm đất. Một lần, đứng trên núi Đẩu nhìn xuống, ông thấy xung quanh cây cối hoang rậm, nhưng lá rất xanh tươi. Ông lách cây, vén lá, đi thăm, bới đất để xem xét. Ông ngắm một lúc nữa, rồi quyết tâm phá chỗ này để làm thành ruộng.
Hai anh em ăn nhịn để dành mỗi ngày mỗi người bớt ra hai xu, để sắm một đôi dao năm và một con dao lẹ. Dần dần, mua thêm được cái cuốc. Hai người thay phiên nhau, một người đi làm thuê, một người đi phát rừng. Nhưng được đến hôm thứ ba, thì chẳng may, anh ông bị một đàn ong độc đốt. Cả người sưng vù lên. Bốn hôm thì chết.
Chôn anh xong, ông đau thương quá. Ông nghĩ: Vì thằng Tây nó hại, cho nên thằng cháu nó khinh. Vì thằng cháu nó khinh, cho nên con vật mới có thể giết chết được. Ông căm giận cái nghèo, nó làm người ta thành kẻ chiến bại.
Nhưng ông lại nghĩ: muốn không bại, phải vượt khỏi cái nghèo. Muốn vượt khỏi nghèo, trước hết, phải có ruộng đất.
Ông nhất định không chán nản. Đã không chịu người sao lại chịu vật. Đã không chịu cả người lẫn vật, sao lại chịu cái mưa nắng, rét nực, ngày đêm, lam chướng?
Nhưng anh ông chết. Bây giờ ông chỉ còn một nửa sức mạnh. Thì ông cương quyết làm việc gấp bội. Ông tự ấn định một chương trình, và nhất định theo kỳ đúng. Ông tin tưởng ở sự thành công.
Ban chiều, hết buổi làm thuê, ăn cơm xong ông, mang dao đến chỗ đất đã chọn trước. Ông bắt đầu ngả những cây nhỏ, đánh bật gốc lên, và chặt thành khúc ngắn để cho nắng phơi khô.
Công việc có vất vả, nhưng trông thấy kết quả, nên ông rất vui vẻ. Dạo ấy có trăng, đến nửa đêm mới lặn, nên ông sẵn có ánh đèn thiên nhiên. Một khoảng khá rộng đã được le lói ánh sáng.
Nhưng ông không ham việc quá đến nỗi kiệt sức. Ông nghĩ đến tương lai dài lâu, cho nên mỗi tối, ông không làm quá bốn giờ đồng hồ.
Nhưng không phải đêm nào cũng có ánh trăng đúng vào buổi ông làm việc. Bởi vậy, nửa tháng đầu, ông làm từ chập tối đến nửa đêm, nửa tháng sau, thì từ quá nửa đêm đến sáng. Những lúc trăng chưa mọc mà đã đến giờ làm, hoặc trăng lặn rồi mà chưa đến giờ nghỉ, thì củi khô tích trữ đó, ông đốt lên.
Sau một tuần lễ nỗ lực lao động, những cây nhỏ trong khoảng ba sào đã hạ hết. Ngẩng lên trời, ông nhìn thấy trăng sao mà mừng. Nhưng còn những cây to hàng ôm, không thể để được. Đến lúc này, thì ông rất kiên tâm. Ông giơ thẳng cánh giáng mạnh dao vào gốc. Mới đầu, dao cứ nẩy ra chỉ phập một vết nông và nhỏ. Rồi sau, cánh tay làm việc như cái máy, chặt chan chát. Một buổi như thế, hai buổi như thế, sau ba bốn buổi, vết sâu đã được độ một ngón tay, gỗ tươi màu mỡ gà, đã vạch một khoanh vòng quanh gốc. Vết dao sâu dần, mỗi ngày một sâu. Và đến một buổi, cây chỉ còn dính với gốc bằng một tí lõi. Cành trên nặng, thân cây ngả răng rắc, rồi lăn kềnh ra: Cả một khoảng rừng như bị động. Ông vui sướng quá, đứng lặng để nghỉ và ngắm. Cả cây to đã gục, không lẽ cứ để nguyên nó nằm xù xù thế này, phải đến hàng năm mới khô được. Vả thân to, cành rậm, choán cả đất. Sức một người không thể lôi nó ra chỗ khác. Mà chỗ khác là chỗ nào? Chỗ nào rồi cũng phải khẩn để trồng trọt. Nhưng ông nghĩ: Ở đời không có cái gì là khó, cái khó là gồm nhiều cái dễ họp lại cũng như cái to là gồm nhiều cái nhỏ họp lại. Thì ngược lại, đem tách cái to ra từng cái nhỏ, thì cái khó trở thành nhiều cái dễ. Ông bèn ra công chặt cành, chặt thân ra từng đoạn, lôi ra, xếp một đống cao, chờ có thì giờ thì trẻ làm củi.
Nhưng không phải chỉ có một cây to như thế mà thôi đâu. Còn nhiều. Còn phải kiên tâm, hết sức kiên tâm.
Một hôm, ông thấy gấy gấy sốt, nhưng cứ đeo dao đi. Đến nơi, ông không làm. Ông nghĩ công việc còn lâu còn dài. Nay tham thì rồi ốm to, phải nghỉ lâu, và sức sẽ yếu đi. Cho nên thà nghỉ hẳn một buổi, còn hơn phải nghỉ nhiều vì ốm.
Song, con ma bệnh nó không cho ông chỉ nghỉ một buổi. Ông sốt rét, phải nằm mất bốn hôm.
Ốm dậy, còn yếu, ông chống gậy đi thăm chỗ đất mới vỡ. Ông định nơi làm nhà, nơi trồng trọt. Ông cho việc có cái nhà ở là cần thiết nhất. Không những chẳng phải nhờ ai, mà lại luôn luôn để mắt xung quanh nơi ấy để sửa sang dần cho vừa ý.
Vì chưa khỏe thật, nên ông chỉ làm những việc nhẹ, là đắp nền, chặt cây nhỏ làm cột, làm xà, để chuẩn bị vật liệu dựng nếp nhà một gian. Ông cuốc đất, đập tơi, để tra vừng. Đất được bón bằng lá ải, nay thêm tro than, nên vài hôm sau, mầm đã lấm tấm mọc xanh. Để khỏi bị cớm nắng, ông trèo lên những cây cao chưa kịp ngả, phạt hết cành lá rậm.
Từ ngày ông dựng xong nhà, thì lối đi từ xóm An Ninh đến, đã thành một vệt rõ. Không những vì một mình ông phát lá, lẩy cành, mà một vài người nghèo như ông, đã đến thăm ông, muốn đường phẳng phiu thêm, nên bạt những chỗ quá cao và đắp những chỗ quá thấp. Rồi con đường ấy không chỉ đến có nhà ông mà thôi. Các bà ra chợ Bùng, sẵn lối gần, cũng đi nhờ, rồi xuyên thẳng một quãng nữa thì đến đường cái.
Từ đó, một khoảng rừng hoang của xóm Bến Sim đã đỡ tịch mịch, vì thỉnh thoảng có nổi lên những tiếng nói cười.
Ông Tư, di cư từ Thái Bình lên, nói với ông Hai Mạ:
- Rồi tôi cũng theo ông, ra ở ngoài này kiếm đất mà làm lấy.
Ông Hai Mạ vui sướng:
- Phải, để cho tôi có hàng xóm, ông thì đỡ phải ở nhờ làm thuê.
Vì chương trình làm việc ấn định sẵn, nên ông Hai Mạ không để mất thì giờ. Cái lần ốm, ông phải nghỉ bốn buổi, thì ông làm bù mỗi buổi sau thêm nửa giờ. Cho nên hễ ốm, ông nhất định không tham công tiếc việc. Đến khi khỏe, thì lại mỗi buổi làm thêm một lúc. Có ai đến chơi vào lúc bận, thì ông mời ra rừng để nói chuyện. Ông tự chủ, chứ nhất định không bị động. Nhiều người không hiểu, thì chê trách ông, nhưng đều phục ông là có gan vượt khó khăn, gian khổ.
Chẳng bao lâu, những cây lớn ở cánh rừng này đều ngã gục dưới cánh tay ông. Vừng đã lên cao, sắn đã nhú mầm non, khoai lang đã xòe lá, mọc theo những luống thẳng...
Ông dự tính, khi hoa mầu được thu hoạch, thì trong một tháng, ông chỉ cần đi làm mười lăm hôm.
Ông bà Tư đến Bến Sim, được ông giúp phương tiện và ý kiến. Nhiều lúc ông giúp cả công sức để khuyến khích cho bạn khỏi nản lòng. Bà Tư tin ma thiêng nước độc, thì ông giải thích cho đừng tin nhảm, miễn là mình cứ giữ vững điều độ làm ăn.
Con ông Tư sợ vắt và rắn rết. Ông nói: Nông dân không sợ đỉa thì sao lại sợ vắt. Vật sợ người chứ sao người lại sợ vật. Con ông Tư trở nên bạo dạn. Một hôm, vào chập tối, ông Tư bị con rắn xanh ba cánh cắn vào kẽ chân. Nọc độc chạy rất nhanh. Trước thì chân ông giật, sau đến tim cũng giật mạnh. Ông nằm không yên, độ vài phút lại ngồi dậy, rồi lại nằm và kêu rất thảm thiết. Bà Tư thấy thế nguy, lúc hai giờ sáng, cho mời ông Hai Mạ đến.
Ông Hai Mạ đến nơi, soi đèn, thấy cẳng bạn sưng to. Ông Tư dặn ông những điều như lời dối dăng của người sắp chết. Nhưng ông Hai Mạ khuyên bà Tư đừng khóc lóc vô ích, vì ông có thứ thuốc hay, rất dễ kiếm.
Ông đốt đuốc, vác cuốc vào làng ra bãi ngòi tìm cây dền gai. Ông đào rễ, đem về giã nhỏ, lấy nước cho ông Tư uống, còn bã thì rịt vào chỗ đau.
Ông Tư uống xong thuốc thì đòi nằm. Một lát, không thấy kêu rên. Ông Hai Mạ mừng thầm. Chừng hai mươi phút sau, ông Tư thở đều rồi thở to ra tiếng. Ông ấy đã ngủ được, và ngáy. Ông Hai Mạ vui vẻ, nói với bà Tư:
- Thế là tốt. Mai bà kiếm thêm rễ dền gai, cho ông ấy uống và rịt nhiều lần thì chóng khỏi.
Chiều hôm sau, ông sang thăm ông Tư. Chân ông này đã bé lại. Bà Tư nói vì mải việc, không lấy thêm được thuốc. Ông Hai Mạ phàn nàn:
- Bà bận, sao không bảo tôi lấy cho.
Nhưng ông Tư cảm động:
- Tôi khỏi rồi, chỉ mai là đi lại được. Ông đừng mất công việc về tôi nữa.
Quả nhiên, ba hôm sau, ông Tư đi lại được như thường.
Món thuốc rắn thần hiệu phổ biến, cứu sống được nhiều người.
* *
Vỡ xong chỗ năm sào mầu, ông Hai Mạ làm đất để trồng lúa. Bước đầu khó khăn đã vượt, nên bước sau tiến dễ dàng.
Ông vẫn theo đúng chương trình làm việc đã ấn định.
Những đêm mùa đông, trăng mọc về sáng, rét buốt đến xươn,g nhưng ông không kỳ quản. Ông mặc kệ cả mưa phùn. Gió bấc, mưa râm không đủ sức ngăn ông. Ông đã có nón trên đầu, lá cọ sau lưng, lại trang bị thêm bằng cả một ý chí thắng thiên nhiên. Cho nên, dù đương đêm, nhưng đến giờ làm việc, ông cũng không ngần ngại. Ông Tư thường khuyên ông nên giữ sức khỏe, ông đáp:
- Bên ông ba người, bên tôi có một, nên tôi phải cố.
Ông Tư cười:
- Bên tôi ba người nhưng vẫn phải thua một mình ông.
Mấy tháng sau, cả một triền rộc độ bốn sào, ở chân núi Đẩu, trở nên quang đãng. Chỉ còn mỗi một gốc cây to hai người ôm, nhu nhú trên mặt đất. Chờ trời mưa to xong, ông Hai Mạ cày đi cày lại, bật từng khúc rễ ngắn, vứt từng hòn đá nhỏ ra tận xa. Sở dĩ ông làm đất kỹ lưỡng như vậy, là vì bốn sào ruộng giộc này, sẽ là nguồn sống chính của ông.
* *
Một năm sau, Bến Sim có thêm hai gia đình, anh Tam và anh Chính.
Thế là bốn.
Đứng trên núi Đẩu nhìn xuống, người ta đã thấy một vẻ hoạt động: người, chó, lợn, gà, luôn luôn đi lại quanh những mái nhà xám, nhiều lúc tỏa ra những tia khói lam mềm mại.
Đó là một biểu hiện của sự no đủ, sự hạnh phúc. Nnhưng đó cũng là một khêu gợi lòng tham của bọn địa chủ bạo tàn.
Thằng Chánh Cóc nhận thấy từ ngày ông Hai Mạ tự tay gây dựng cơ nghiệp, thì ít đi làm thuê làm mướn, để nó phải mượn người khác, mất nhiều tiền công mà được ít năng suất. Ba gia đình theo ra Bến Sim cũng dần dần thoát ly được sự bóc lột nhân công của bọn địa chủ. Vì vậy, nó cần triệt tình trạng nguy hiểm này. Tìm mãi lý do, nó chỉ lấy cớ là gia đình ngụ cư, không có phép vỡ hoang. Nhưng lòng tham ăn của nó lại phản nó. Là khi ông Hai Mạ hoặc ông Tư đánh được con cầy, bẫy được con gà cỏ, đem biếu nó, thì nó lại không hoạnh họe nữa. Nó chỉ bắt mỗi năm, mỗi gia đình nộp cho nó hai thùng thóc, gọi là thóc đỏ lửa (hỏa hồng).
Nhưng thằng con rể nó là thằng Đáp, tức là cháu gọi ông Hai Mạ là cậu ruột, được gia đình ông nuôi cho từ tấm bé, vừa mới được làm phó lý. Thằng Đáp lo công danh mất năm sào. Nay nó phát canh một mẫu rưỡi, thuê người làm một mẫu. Nhân công ở năm này vừa cày ruộng, vừa làm những việc nặng nhọc trong nhà.
Khi nó nghe tin anh ông Hai Mạ bị ong đốt chết, nó không hề nhắn nhe hỏi thăm nửa lời.
Nay nó thấy ông làm ăn khấm khá, thì thỉnh thoảng nó đến chơi. Nhưng vì ông tham công tiếc việc, vả lại căm giận thằng cháu bất nhân, nên ông lãnh đạm. Ông không đến mừng và cũng không dự tiệc khao phó lý của nó. Nó đến, ông tiếp ở chỗ làm việc, chứ không mời vào nhà. Vì vậy nó phật ý.
Nhiều lần nó kêu bố vợ nó quá dễ dãi với quân ngụ cư. Nó nói bây giờ nó làm phó lý, quyền hành trong tay, muốn cho ai ở cũng được, đuổi ai cũng được. Nó thù nhất là ông Hai Mạ, vì nghi ông ghét nó, tất bới xấu nó. Vả ông là cậu nó, lại ở ngay cạnh nó, thì muốn làm bậy, nhưng nghĩ đến ông, nó phải kiêng. Vì gì thì ông cũng là hàng trên nó.
Họ nhà vợ nó có một thằng làm trưởng bạ, tên là Khôi.
Một hôm, thằng Đáp đến nhà thằng Khôi, mượn sổ địa bạ. Xem xong, nó vui vẻ quá. Nó biết đích rằng cả khu vực mà bây giờ thành xóm Bến Sim, là đất công, chứ không phải đất tư của ai. Nay bốn gia đình đã vỡ được đến hơn hai mẫu rồi, và chưa nộp thuế. Nó bèn làm đơn, dán 12 xu tem, đưa lên sở Địa chính trên tỉnh, xin khẩn hoang mười mẫu làm đồn điền. Nó đút tiền cho một nhân viên về đo đạc và vẽ địa đồ. Đơn của nó được Địa chính duyệt y và tòa sứ phê chuẩn.
Nắm được giấy phép có tên công sứ ký và dấu tòa, nó gọi bốn gia đình đến. Nó tuyên bố cho biết là ruộng đất trong khu vực đồn điền của nó, thì nó có quyền lấy lại.
Bốn người không cãi nổi với luật pháp của chế độ thực dân bênh vực chế độ chiếm hữu ruộng đất cho giai cấp địa chủ. Họ hầm hầm trở về.
Hôm sau, thằng Đáp đến từng nhà, dỗ dành bằng giọng giả nhân giả nghĩa. Nó nhận công lao khai phá không phải của nó, nên nó chịu nhượng bộ mà thương lượng với mọi người, là nó cho làm rẽ, lấy tô một nửa số hoa màu thu hoạch.
Nhưng ông Hai Mạ nhất định không chịu cho nó yên hưởng số ruộng chiếm đoạt trắng trợn như vậy. Ông lấy quyền làm cậu, sỉ vả nó, rồi xui mọi người không thèm làm cho nó. Ông bảo:
- Ta có sức lao động, nhất định ta tự chủ, không khi nào ta chịu làm đầy tớ kẻ thù.
* *
Cả bốn gia đình bị chung một hoạn nạn, nên càng thương yêu và tin nghe nhau. Họ góp sức để phấn đấu với cái đói một phen nữa.
Ông Hai Mạ đi tìm đất ngoài phạm vi đồn điền của thằng Đáp. Ông được bầu làm trưởng nhóm, điều khiển việc khẩn hoang. Lại một nửa nhân số đi làm thuê, để nuôi sống một nửa nhân số ở nhà làm việc.
Thằng Đáp rủ được gia đình ông Cận ra Bến Sim. Gia đình này gồm năm người, có ba nhân công chính. Nó thu tô ruộng đã đành, nó thu tô cả mầu nữa. Ngoài việc ông Cận phải làm ruộng của nó, nó còn bắt ông khẩn hoang thêm. Vì bị bóc lột nhân công quá sức, ăn đói, uống khát, khi ốm đau không có thuốc thang, không được giúp đỡ gì, nên trong một năm, ba người lần lượt chết. Còn ông Cận và đứa con út thì một hôm đói quá, bắt cóc để ăn, nên cũng chết nốt hai bố con.
Nhưng thằng Đáp không nhận tội ác là của nó. Nó đổ cho đất có ma. Nó dựng miếu thờ. Và vẫn dỗ được những người miền xuôi, bị địa chủ vùng họ làm cho khánh kiệt, di cư lên đây để cho nó bóc lột.
Trong thời gian ấy, thì nhóm ông Hai Mạ vẫn nỗ lực phấn đấu để giành lấy sự sống còn. Họ đã làm được năm mẫu thành điền.
Thằng Đáp thấy của ngon xơi, lại nổi lòng tham. Nó mở địa đồ ra ngắm, rồi lấy bút chì đỏ, khoanh rộng thêm ra bảy mẫu nữa. Nó lại làm đơn lên tỉnh, xin mở rộng đồn điền và lại được chuẩn y. Nó lại cướp không nốt năm mẫu.
Nhưng lần này ông Hai Mạ không chịu. Ông Tư xui ông đến nói tử tế với nó, để xin nó đừng chiếm ruộng. Ông không đến, nói rằng không cậu cháu gì với quân đểu. Ông cho rằng pháp luật tất sáng suốt bênh vực lẽ phải, nên ông làm đơn khiếu.
Nhưng đơn của ông đến huyện thì nằm đó. Ông lo tiền để đút tên lục sự cho chóng xong việc.
Tên này nhận tiền, nhưng trả lời rằng huyện không có quyền xử, vì không thể trái ý tòa.
Ông kiện ở tỉnh. Nhưng đơn không được xét. Ông còn bị dọa rằng nếu chống lệnh trên, thì phải ngồi tù.
Ông bực mình, nghĩ: Nam quốc Nam nhân với nhau mà không bênh nhau, còn mong gì đến thằng Tây.
Song, ông cũng cứ ra tòa. Ông không dám vào buồng giấy, mà đứng chực ở cổng. Khi thấy một thằng mũi lõ tóc quăn, ông vái và đưa đơn. Thằng Công sứ nhìn ông, giơ chân hất khẽ ông một cái sang cạnh đường như ta gạt một con vật bẩn mắt, rồi đi thẳng.
Ông Hai Mạ ức lắm. Thế là hết chỗ kêu.
Ông đem chuyện kiện tụng kể cho nhóm nghe, rồi kết luận rằng bọn địa chủ, bọn thống trị vào hùa với nhau để hà hiếp dân đen, chúng không còn tình máu mủ, không có tình nòi giống. Dân đen muốn sống, chỉ còn cách đánh cho chúng nó chết.
Nói đến đây, ông rất buồn, nhìn lại các bạn, thấy người nào cũng yếu đuối, xanh xao. Ông nói:
- Hiện nay, thế chúng ta chưa thể địch được chúng nó, nhưng nhất định chúng ta không sợ chúng nó.
Rồi ông tiếp:
- Ta không sợ thiên tai, ta không sợ nhân họa. Ta chỉ sợ lòng ta không kiên quyết. Ta kiên quyết thì thế nào cũng thành công.
Ông khuyên các bạn kiên quyết. Nhưng người ta chán nản vì hữu lao vô công.
Kết cục, anh Tam không chịu nổi uất ức, thắt cổ chết. Anh Chính bỏ nhóm, lên vùng mỏ kiếm ăn bằng nghề khác. Gia đình ông Tư trở về An Ninh, lại chịu làm thuê làm mướn cho nhà giàu.
Còn trơ trọi một mình ông Hai Mạ với hai bàn tay trắng.
Song, trong cái thân hình tàn tạ vì mấy chục năm dầy dạn phong sương cùng khổ ải ấy, chứa một sức mạnh của tấm lòng muốn sống tự chủ. Cho nên thua keo này, bày keo khác, ông tin tưởng ở tương lai.
* *
Lần thứ ba, ông Hai Mạ lại bắt tay vào việc. Lại chặt cây, lại đốt cành, lại cuốc đất, lại làm nhà, và lại trồng trọt. Ông được thêm một người bạn lao động giúp việc đắc lực, là vợ ông, em ruột ông Tư.
Hai vợ chồng theo chương trình làm việc cũ, chẳng quản mưa nắng, sớm khuya, nóng rét.
Cả xóm An Ninh, cả xã Bình Dân, kêu ông là gàn, là dại. Ông trả lời giọng đùa cợt:
- Tôi không gàn, không dại, chỉ là gan và dai. Rồi đây, khu này sẽ trở nên một xóm sầm uất. Tôi sẽ có rất nhiều bạn. Các ông các bà ngẫm xem, rồi đời tôi khổ hay đời chúng nó khổ.
Ông nói chúng nó là ám chỉ bọn cường hào, bọn quan lại, bọn thực dân, đã bao phen làm hại ông.
Bốn cánh tay của vợ chồng ông nổi bắp, sù chai vì lao động, đụng đến chỗ nào là cây chỗ ấy đổ răng rắc, đất chỗ ấy sới lộn thành tốt và trở nên có giá trị nuôi sống con người.
Sang năm 1943, nhiều người vùng Thái Bình, Nam Định, tránh nạn đói, lên Thái Nguyên, nghe tiếng ông Hai Mạ thì tìm đến để ở nhờ và làm chung. Họ không bị chết và ông cũng thêm bạn phấn đấu để tăng sức mạnh. Khu mới này đã dần dần mọc được năm nóc nhà nhỏ. Kể cả hai khu bị chiếm trước, thì, đến cuối năm 1944, gần một nửa xóm Bến Sim bây giờ trở nên quang đãng hoạt động. Riêng ông Hai Mạ có hai sào thổ cư, hơn hai sào thổ mầu, và chín sào ruộng vừa rộc vừa cạn.
Thằng Đáp thấy đất mới, ruộng mới, nó lại ngứa mắt quá. Lại theo lối làm giàu cũ, đầu năm 1945, nó làm đơn xin các quan thầy khẩn thêm đồn điền.
Vì xã Bình Dân chưa được mặt trận Việt Minh giải phóng, nên đơn nó được giặc Pháp chấp nhận.
Nhưng đến tháng Tám, khi thằng Đáp mắt nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng, thì nó sợ hãi quá. Nó vội vàng lên tỉnh, rút đơn ra. Nó về nằm yên ở nhà để nghe ngóng.
Ông Hai Mạ thấy ngọn cờ Cách mạng thì hết sức phấn khởi. Ông tin rằng ngọn cờ ấy sẽ cứu sống ông và các bạn ông. Ông mừng như đứa trẻ trông thấy mẹ về chợ.
Ông may lá cờ nhỏ, căng ở sau cái bàn bày hoa, gọi là bàn thờ Tổ quốc. Ngày nào ông cũng thay hoa mới, và lúc rỗi, thì đứng lặng để ngắm cờ. Rồi khi các cơ quan, đoàn thể ở xã đã xếp đặt, ông xin học lớp bình dân, và vào tự vệ. Đến ngày tác chiến, ông xin làm du kích.
Nhưng ông không lơ là nhiệm vụ đối với ruộng đất. Ông tiếp tục phá rừng để khẩn hoang. Cuối năm 1949, ông đã có tới trên hai mẫu.
Năm 1950, Chính phủ tịch thu ba trăm mẫu của con địa chủ Gầy vào Thành theo giặc, tạm cấp cho nông dân thiếu ruộng mỗi nhân khẩu một mẫu một sào.
Đáng lẽ ông Hai Mạ được thêm một mẫu, vì ông mới có một con trai, nhưng ông không nhận. Ông nhường cho những gia đình tuy đã được chia đủ, nhưng còn thừa sức lao động. Ông nói:
- Tôi cứ cố chăm bón cho hai mẫu của tôi thêm sản lượng, còn hơn nhận nhiều mà làm không xuể. Xóm ta, xã ta, và xã bên cạnh còn biết bao nhiêu gia đình còn thiếu thốn hơn tôi. Vả tôi đã dự tính đến cuối năm 1953, nhất định tôi có thêm hai mẫu nữa.
Ủy ban nài ép ông, ông lại nói:
- Vả sức tôi đem hết ra để đương đầu với thiên tai với nhân họa mấy chục năm nay, bây giờ tôi bắt đầu thấy suy yếu. Vợ tôi, tôi đã đặt cho nhiệm vụ là vỡ thêm ruộng, còn riêng tôi, tự biết mình làm nhiều không nổi. Từ nay, thằng Đáp không dám chiếm ruộng của tôi nữa, là nhờ công ơn của Cách mạng, đó cũng như Chính phủ cho tôi hai mẫu ấy, tôi đã được hơn anh em nhiều quá rồi. Thằng Đáp là địa chủ, nó chỉ có tình nghĩa với tiền của. Tôi là nông dân, trải qua nhiều khổ cực, tôi biết thương yêu những người khổ cực như tôi, tôi không muốn ai cũng khổ cực như tôi nữa. Cho nên bây giờ được đầy đủ, tôi phải nghĩ đến anh em. Xưa nay địa chủ nó chiếm đoạt ruộng đất của chúng ta, bóc lột nhân công của chúng ta, làm cho chúng ta khổ sở. Nay Cách mạng lấy lại ruộng đất ấy trả về cho chúng ta, tôi sướng quá. Thế thì bạn tôi hưởng cũng như tôi hưởng. Không may cho tôi, là trong thời kháng chiến này, tôi quá tuổi, không được đi bộ đội, không được đi dân công, thì tôi chỉ còn cách là nỗ lực sản xuất để góp phần vào công cuộc cứu quốc, khỏi phụ lòng Cụ Hồ và Đảng đã có công giải phóng cho giai cấp chúng ta... Thế là tôi được hả, tôi không dám ước mong gì hơn nữa.
Rồi yên lặng một lát, để ôn lại cảnh khổ xưa, ông tiếp:
- Trước kia tôi bảo rồi tôi với thằng Đáp, ai khổ ai sướng, thì bây giờ tôi thấy rõ rệt là tôi sướng hơn nó. Tôi có nhiều bạn, được giúp đỡ nhiều người và được nhiều người tin yêu. Trái lại, dân làng ai cũng coi nó như kẻ thù để oán ghét nó. Từ ngày Khởi nghĩa, nó sống cô độc. Nó giả dối như con mèo nằm khoanh trên đống tro trong xó bếp, vờ ngủ, nhưng vẫn lé mắt để rình chuột. Nó coi chúng ta như đàn chuột. Nhưng không, Cách mạng bênh vực chúng ta. Vì chính chúng ta làm cách mạng.
Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
Trong Tập truyện ngắn "Nông dân với địa chủ"
Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Mời đọc tại ISSUU
Xem: https://issuu.com/hoan8/docs/10-xombensim
Tham khảo: Các bài viết liên quan
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉