Ads 468x60px

.

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Phấn khởi



Minh họa: Kho tàng truyện hay

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân | 2. Phú Thăng


Mời đọc Bản đánh máy

Phấn khởi

Nguyễn Công Hoan


Trên đường về Thủ đô, tôi tạt vào xã C. G. mà tôi vừa công tác phát động cải cách ruộng đất. Tôi hăm hở đến nhà rễ của tôi là chị Thêm. Lòng tôi hồi hộp. Hẳn chị Thêm cũng phải sửng sốt, khi gặp tôi.

Nhưng đến sân, tôi không thấy một tiếng động. Tôi gọi. Không ai trả lời. Con chó khoang nằm ngủ ở hè, hé mắt nhìn tôi, rồi vừa nhắm lại, vừa ngoe nguẩy đuôi.

Tôi vào trong nhà, đặt ba lô trên chõng. Không có gì khác lạ ở trong gian nhà ụp sụp này, trừ cái ảnh Hồ Chủ tịch mới nguyên, đóng bằng khung tre, ở giữa nhà. Ảnh treo thấp quá, và hơi lệch. Tôi chữa lại cho cao lên và ngay ngắn hơn.

Tôi ra giếng rửa chân tay, thì nghe thấy tiếng chị Vít, hàng xóm. Tôi hỏi thăm chị ấy. Anh ấy đi họp du kích. Chị ấy nói chuyện là chị Thêm đi dân công từ nửa tháng nay. Bà Thêm thì từ ngày Đội rút, không ngày nào là không chống gậy, mò mẫm đi chơi khắp nhà bà con trong làng. Có hôm đến sẩm tối mới về.

Lúc ấy có lẽ hơn năm giờ chiều rồi. Bụng tôi đã thấy đói. Tôi vào nhà lấy gạo, thổi sẵn cơm, để đợi bà Thêm. Ngót bốn tháng ba cùng với gia đình này, tôi không là khách lạ nữa.

*
*      *

Bà Thêm năm nay hơn năm mươi tuổi. Bà ấy mù, có mỗi một con trai, là anh Thêm. Trong phát động giảm tô hồi tháng 9 năm 1953, anh được bắt rễ. Anh xâu chuỗi chị Nhú, cũng là cố nông. Hai anh chị hiểu nhau trong đau khổ và đấu tranh. Rồi lấy nhau. Anh Thêm được có người ở nhà trông nom cho mẹ, nên xung phong đi bộ đội. Thế là gia đình có thêm một người nữa là ba. Nhưng cũng vẫn là có hai. Và tuy có ba người, mà lúc nào cũng chỉ vẻn vẹn có mỗi một người có đôi mắt sáng. Vì, tôi nhắc lại, anh Thêm đi bộ đội vắng, bà Thêm mù đã hơn ba chục năm nay.

Hơn ba chục năm về trước, hai vợ chồng bà Thêm làm tá điền cho thằng chánh Tứ trong làng. Thằng này có hơn bốn mươi mẫu ruộng cho phát canh. Nó còn có ba mươi hai con, vừa trâu vừa bò, bắt tá điền phải chia nhau nuôi cung phụng. Nuôi vào chuồng nhà mình, nhưng cứt thì phải nộp cho nó, đủ mỗi ngày mỗi con bốn bãi. Nó lại nhận của thằng tri huyện huyện nó mười bảy con dê của thằng Chánh Sứ, vì miền này có đồi cỏ tốt. Thằng tri huyện xin thằng Chánh Sứ cho nuôi hộ dê. Thằng chánh Tứ nhận chăn giúp và bắt tá điền phải trông nom. Thế là thằng tri huyện lập công với thằng Chánh Sứ, thằng chánh Tứ lập công với thằng tri huyện. Rút cục anh em nông dân khố giây phải làm công không cho thằng phong kiến bợ đỡ thằng đế quốc bụng phệ.

Ông thêm phải nuôi cho thằng chánh Tứ bốn con trâu bò và hai con dê.

Một hôm có một con dê, không hiểu bị con gì cắn, xầy thịt ở chân trước bên phải. Ông Thêm không biết. Nhưng thằng chánh Tứ biết. Nó gọi ông đến, chửi mắng. Ông cãi. Nó cầm ba toong vụt ông một cái chảy máu đầu. Nó giao hẹn ông phải rửa ráy chỗ chân dê cho sạch, và kiếm lá rịt cho khỏi. Không khỏi thì ốm đòn.

Ông Thêm bị đánh, đầu ê ẩm, rồi phát sốt. Bà Thêm lo lắng cho vết thương của dê hơn là của chồng. Nhưng hỏi thăm, không biết thứ lá gì để lấy làm thuốc được. Lại còn phải chạy gạo ăn, nên bà quên bẵng việc rửa ráy chỗ chân dê. Ba hôm sau, đầu ông chưa khỏi, mà chân dê cũng chưa khỏi. Thằng chánh Tứ đến thăm dê, thấy vết đau loét to, bẩn hơn, và có dòi. Thế là nó nổi trận lôi đình.

Nó hét gọi ông Thêm đến chỗ buộc con dê bị thương. Ông đương ốm không đi được. Nó bắt người lôi ông đến. Ông vừa ôm đầu, vừa rên, vừa đi.

Nhìn ông, hai mắt nó long lên. Nó với cái cán cuốc, trỏ vào chân dê, bắt ông cúi xuống, nhìn cho rõ con dòi. Nó nghiến răng hỏi:

- Mày có biết dê này là bố mày xin ông mày, ông mày xin cụ mày mới được nuôi không, mà mày dám liều thế? Mày muốn hại công danh của chúng tao à?

Nó trói ông và gốc cây. Một tay cầm cán cuốc dọa đánh, một tay cầm hai cái que con. Nó gắp con dòi, bắt ông há ra, để nó đút vào mồm. Ông không chịu. Nó cũng không chịu. Thế là nó vụt. Nó vụt lia lịa. Vào đít. Vào hai cánh tay giơ lên đỡ đầu. Và cả vào đầu. Nó bảo không nuốt nổi con dòi thì nó đánh chết. Ông Thêm chưa chết. Chưa chết, nó còn vụt.

Bà Thêm đứng nhìn, run bắn người lên. Mỗi cái cán cuốc giáng xuống, thì người bà thấy đánh thót một cái. Y như chính bà bị đòn.

Bà khóc lóc, van lạy. Nhưng không chuyển. Sực nghĩ là mình có mang, thì cứ xông bừa vào ôm lấy chồng, chắc nó không nỡ vụt vào người đàn bà chửa. Nhưng mặc kệ. Bà càng lăn xả, nó càng đánh. Đánh cho mất thói bênh chồng, trọng người hơn vật. Cái cán quốc đầu tiên dáng vào đầu bà. Bà quay lơ ra đất. Cái cán quốc thứ hai phang ngang đôi mắt. Máu chảy đầm đìa.

Còn chưa hả giận, đánh xong, thằng chánh Tứ xát muối ớt vào những vết thương của hai vợ chồng và gang miệng ông ra, nhét cho được con dòi vào, nó mới nghe. Ông ọe không được, phải nhắm mắt để nuốt.

Từ đó bà Thêm mù. Và ông Thêm vừa tởm vừa đau, vừa uất, ông phát điên. Lúc ông cười. Lúc ông khóc. Lúc ông nôn ọe. Lúc ông quát tháo, phá phách chạy lung tung.

Một hôm người ta báo tin cho bà biết là chồng bà đi lang thang ra ngoài đường cái đá, bị ô tô Tây đè chết tươi rồi.

Vào cảnh này, giá là người khác, thì bà cũng có thể phát điên và liều chết được. Nhưng bà Thêm không phát điên và không liều chết. Bà còn có cái thai trong bụng, sắp đến ngày sinh nở. Đứa con ấy là của cả chồng bà. May sau này trời chứng sống cho làm người, thì nó hương khói cho bố nó. Bà nghĩ thế. Bà nén lòng. Rồi bà đẻ được đứa con trai. Tức là anh Thêm bây giờ.

Qua sáu năm góa bụa đầu tiên, bà đan rổ, đan rá để kiếm ăn. Mấy tháng mới đẻ, bà bế con đi ăn mày. Cái bị, cái gậy, bà thất thểu đi khắp đó đây. Rồi lại đan rổ, đan rá. Rồi lại ăn mày. Đến ngày bà sờ soạng thấy đầu con đã cao tới thắt lưng, thì bà cho đi ở. Cho đến năm ngoái, anh Thêm mới ra thoát nhà địa chủ. Từ đó, hàng ngày, anh mới không phải chửi đánh, và được ăn toàn bữa bằng cơm nóng.

*
*      *

Nghe tin tôi đến, bà Thêm vội vàng về. Đầu gậy bà mò đường, chọc xuống queo trên mặt đất. Tôi đón bà vào nhà. Bà mừng rỡ, sờ lên lưng áo tôi xem còn nhiều mồ hôi không. Rồi cười khanh khách, và nói:

- Từ ngày Đội rút đi, chả hôm nào em ở nhà. Em đi chơi khắp làng.

- Mắt bà thế thì phải có người dắt chứ?

- Em đi một mình. Đường nào, nhà ai, em cũng thuộc. Trước kia, em vẫn đi. Nhưng từ ngày kháng chiến, sợ máy bay đến, em chạy không kịp, nên thằng Thêm nó bắt em ở nhà. Thằng địa chủ làm em khổ vì đói rách, lại thằng đế quốc làm em khổ vì bị tù cẳng bảy tám năm nay. Bây giờ Hòa bình rồi. Chả ai giữ nổi em nữa. Em đi để xem trẻ con nó lớn bằng ngần nào rồi. Mấy lại, đi để nghe ngóng tình hình chứ. Trước khi lên đường, anh chả căn dặn bốn tiếng Cảnh giácĐoàn kết là gì?

Nói đến đây, bà Thêm cố mở rộng đôi mí để nhìn tôi. Bà không thấy tôi. Nhưng đôi lòng trắng của mắt bà nó nhắc tôi nhớ ngay được cả cái đời đau khổ của bà. Bà nói tiếp:

- Anh ạ, con bé nhà này đi dân công nửa tháng nay rồi. Không tranh đấu ra trò thì nó phải ở nhà đấy. Các anh lấy lý do là nó ở ban Chấp hành Nông hội với Thanh niên thì bận việc. Nhưng em phản đối. Sao anh Thanh có chân trong Đảng, lại là phó chủ tịch Ủy ban, cũng được bình nghị đi. Em nắm đúng thắc mắc các anh ấy, là ái ngại cho em là tàn tật, không muốn để em ở nhà một mình. Nhưng trước kia kháng chiến khác, bây giờ hòa bình khác. Vắng nó nửa tháng nay, em có làm sao đâu. Nó là thanh niên phải kiến thiết cho hòa bình.

- Thế ý kiến chị Thêm về việc đi dân công thế nào?

- Nó không được đi nó khóc mãi. Vì sợ bị lạc hậu, anh ạ. Đi thì vui, thì tiến. Thật thế, ơn Cụ, ơn Đảng, ơn Chính phủ, nông dân mới được ăn được nói, mở mày mở mặt, đánh đổ địa chủ và đế quốc để làm chủ nông thôn và đất nước như ngày nay.

- Từ ngày chúng tôi rút đi, xóm làng còn ai thắc mắc gì không?

- Có thắc mắc gì thì cũng dễ giải quyết thôi.

- Thế còn bà?

- Thì em đã bảo dễ giải quyết mà? Riêng em thì em phấn khởi lắm.

- Bà phấn khởi thế nào?

Bà Thêm móc ở thắt lưng, lấy miếng trầu, đút vào mồm, rồi đáp:

- Bây giờ xã nhà cải cách ruộng đất rồi, em được chia ngót hai mẫu, lại được riêng một con trâu, và có đủ cày, bừa, dao, cuốc. Thế là cái ước mong khó khăn nhất của em mấy chục năm nay, tưởng như không bao giờ đạt được, thì bây giờ cụ Hồ, Đảng và Chính phủ giải quyết hộ rồi. Bố cháu xưa kia chết về tay thằng chánh Tứ. Chúng em nghèo khổ, không phải tại số, không phải tại mồ mả, không phải tại trời, mà chính là tại giai cấp địa chủ. Em được học tập, em đã hiểu rõ. Em thâm thù địa chủ, không bao giờ quên. Đây này, em còn nhớ rõ bố cháu phải trói thế nào, thằng chánh Tứ đứng ở chỗ nào, nó đánh thế nào, mặt mũi nó hung tợn thế nào, bố cháu kêu rên quằn quại thế nào. Em nhìn thấy cảnh cuối cùng ấy, rồi em bị mù liền, cho nên em nhớ như chôn vào ruột. Em không được trông thấy mặt chồng trước khi chết, nhưng em chắc rằng cũng kêu rên quằn quại và nhăn nhó như lúc bị thằng chánh Tứ nó đánh bắt nuốt dòi.

Bà chớp mấy cái, lặng đi một lát, rồi tiếp:

- Cái thằng tri huyện nó nịnh hót thằng Công sứ, cái thằng chánh tổng nịnh hót thằng tri huyện, làm em góa bụa, long đong ba mươi năm nay. Em quên sao được câu nó quát: "Mày có biết dê này là bố mày xin ông mày, ông mày xin cụ mày mới được nuôi không, mà mày dám liều thế?" Thì ra là thằng dưới nịnh thằng trên, thằng trên nịnh thằng trên nữa, và thằng trên đục thằng dưới, thẳng dưới đục thằng dưới nữa, rút cục, bao nhiêu tai vạ đổ cả lên đầu lên cổ nông dân chúng em phải chịu. Cho nên, em ngẫm câu các anh nói, thấy nó đúng quá, là đánh đuổi đế quốc chưa đủ, đánh đổ vua quan chưa đủ, mà phải trừ cho tiệt cái thói địa chủ cường hào ở nông thôn. Bọn địa chủ cường hào này mới là nền tảng của phong kiến. Chúng nó đẽo khoét tàn tệ, không tha từ nải chuối buồng cau, từ năm xu, một hào, cho đến bãi cứt trâu của người nghèo. Có bật được rễ thì cây mới chết được.

Nói đến đây, bà vứt miếng trầu đi:

- Bây giờ hòa bình rồi, đế quốc sẽ không còn ở nước ta nữa. Đế quốc là con cọp, địa chủ là bụi lau. Ta đánh cọp, cọp nhảy núp vào bụi lau. Ta phải phát lau, triệt gốc đi thì cọp mất chỗ ẩn, ta mới đánh chết được cọp và có đất để tăng gia. Lau chưa thật hết, thì cọp còn mong có chỗ nương tựa. Mình thì không có đất để trồng.

Tôi mỉm cười:

- Bà nhớ lâu những ý kiến đã thảo luận nhỉ!

- Quyền lợi thiết thân mà lị!

- Thế bây giờ chắc những thắc mắc ấy đã được giải quyết, bà hả giận rồi.

- Hả thì có hả, nhưng thù này vẫn để bên lòng. Phải giữ thù bền mới cảnh giác và đoàn kết được. Từ mấy mươi đời nay, nông dân sống cực khổ vì địa chủ, rồi lại bị đế quốc nó áp bức, bóc lột. Nông dân bị một cổ hai tròng.

Nhưng từ năm Khởi nghĩa, đến ngày tháng chín năm ngoái phát động giảm tô, nhất là đến năm nay, cải cách ruộng đất, nông dân được no ấm, được sống hòa bình, được làm chủ nông thôn. Chúng em rất phấn khởi. Thế thì vì đâu mà nông dân giành được quyền lợi? Anh chả luôn luôn nghe chúng em phát biểu là nhờ ơn cụ Hồ, nhờ ơn Đảng, nhờ ơn Chính phủ là gì. Cậu ấy em càng nói càng thấy thấm thía. Không có Cụ, không có Đảng, không có Chính phủ, thì đời kiếp nào nông dân chúng em được phấn khởi như ngày nay. Mọi năm, vào tháng này, thì thường mẹ con phải ăn cháo trừ bữa. Nhưng năm nay, thì cái ba sào ở Triền Đẩu, tổ đã gặt cho em hôm nọ. Thừa phần cái Thêm di dân công, không phải ăn ở nhà, em đã trả nốt được món tiền mua chịu ảnh Cụ. Cái sào tám ở Mũ Lệch nghe nói cũng sắp chín rồi. Em định gặt hái xong, thóc thừa ăn, có thể bán đi, sắm cho vợ chồng nó cái màn.

Bà đứng dậy, sờ tay vào vách. Bỗng bà ngạc nhiên:

- Ờ! Đâu rồi?

- Tôi hỏi:

- Bà tìm gì?

- Ảnh Cụ đâu rồi?

Bà đưa tay lên cao, nói:

- À, đây. Ai treo lên thế này?

Tôi đáp:

- Tôi đấy, treo như trước thấp quá.

Bà cười:

- Thế là anh không hiểu ý em. Thấp thế mới vừa tay. Thế này, anh ạ. Uống nước thì phải nhớ đến nguồn, ơn ai thì phải ghi lòng tạc dạ. Chính phủ thì em biết rồi. Cờ đỏ sao vàng là Chính phủ. Em không trông thấy cờ đỏ sao vàng, nhưng em đã lần các đường khâu, em cũng biết cờ thế nào, sao thế nào. Đảng, em cũng biết rồi. Anh Thanh, anh Dụ, anh Hoành, con vợ thằng Thêm, và còn nhiều người lịch sử trong sạch, hăng hái đấu tranh nữa, là Đảng. Duy có một điều trước kia em thắc mắc...

Tôi ngắt lời:

- Bà nói bà phấn khởi. Và có những thắc mắc gì cũng dễ giải quyết kia mà?

- Phải rồi, anh để em nói nốt. Điều mà trước kia em thắc mắc, là Chính phủ, em biết rồi, nhưng Cụ Hồ thế nào, thì không tài nào em biết được. Nghe nói Cụ trán cao, mắt sáng, râu dài, nhưng em làm sao thấy được. Công đức Cụ như biển, như non, cả nước được nhờ ơn Cụ, thì cả nước được biết mặt cụ trong ảnh. Không lẽ riêng em mù mắt lại bị thiệt thòi suốt đời. Cho nên em cố mua ảnh Cụ để treo. Em treo thấp, để có ai hỏi Cụ thế nào, thì có thể trả lời ngay được.

- Thế bà nói xem có đúng không nào?

Bà Thêm kiễng chân lên để với. Bà vuốt bốn xung quanh cái khung, rồi cười:

- Con người thì có, con mắt thì không! Sợ ảnh treo chỗ lạ tầm tay, em nói không đúng, thì anh cho là không thành kính, anh lại cười. Đây nhé...

Bà đưa ngón tay trỏ, khoanh quanh mặt Hồ Chủ tịch:

- Đây là mặt Cụ.

Rồi chỉ từng chỗ:

- Đây là tóc, đây là trán, đây là đôi mắt, đây là râu. Có đúng không, anh?

Kể xong, bà cười khanh khách.

Bà nói đúng như người mắt sáng. Tôi cũng cười khanh khách.

Rồi vui vẻ, bà vừa ngồi, vừa nói:

- Con bé nhà này kể ra cũng chịu khó. Nó dạy em mãi mới thuộc được như thế. Từ ngày biết mặt Cụ Hồ, em thấy phấn khởi thêm. Bây giờ có thể nói em là người sung sướng hoàn toàn.



1955

Mời đọc Bản chụp dạng ảnh

Trong Tập truyện ngắn "Nông dân với địa chủ"



Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
PDF



Mời đọc tại ISSUU




Tham khảo: Các bài viết liên quan

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉