Ads 468x60px

.

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Quanh cái xác chết



Minh họa: Kho tàng truyện hay

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân | 2. Phú Thăng


Mời nghe đọc tại ĐÀI TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ VTC
Mời đọc Bản đánh máy

Trong Tập truyện ngắn "Nông dân với địa chủ"

Quanh cái xác chết

Nguyễn Công Hoan


Tôi nguyên quán ở Nam Định. Bố mẹ tôi sinh tám lần, nuôi được có bốn. Năm 45, chết đói mất ba. Hiện nay còn có mỗi một mình tôi.

Ông bà tôi mất đi, để lại cho bố tôi bốn sào ruộng và mười thước vườn. Ruộng ở cánh Nam phung, liền mảnh với ruộng của thằng địa chủ trong làng tên là Hường Vôi.

Gia đình tôi đông người, nên không đủ ăn. Ngày mùa, bố mẹ tôi phải làm thuê làm mướn. Ngày ba tháng tám, thì đan cái rổ cái rá để bán. Nhưng vẫn bữa no, bữa đói.

Nhiều lần thằng Hường Vôi cho vợ đến khuyên mẹ tôi bán ruộng cho nó. Nhưng mẹ tôi không nghe. Nó còn giả nhân giả nghĩa thương bố tôi nghèo, bảo hễ túng thiếu cứ đến nó mà rật tạm. Nhưng bố tôi nhất định không vay. Bố tôi vẫn đem câu của ông nội tôi, ngày xưa, nói lại cho chúng tôi nghe:

- Tiền của nhà giàu lọt được vào nhà nghèo lúc nào, là tai họa bắt đầu đến nhà nghèo từ lúc ấy.

Tôi còn nhớ, năm tôi lên mười, trời làm đói kém. Bố tôi phải đi xa để kiếm ăn. Mẹ tôi ở nhà. Tôi thấy ngày nào mẹ tôi cũng đi một buổi. Khi về nhà, thì có một ít gạo hoặc cơm nguội. Mẹ tôi chia cho chúng tôi. Không lần nào mẹ tôi ăn, cứ nói rằng ăn rồi, còn no.

Một hôm, em út tôi nó đói quá, khóc ngằn ngặt. Tôi đi tìm mẹ tôi ở chợ. Bỗng tôi thấy mẹ tôi đường liếm lá bánh, bên cạnh, có cái bị đựng lẫn lộn cả cháy lẫn cơm. Tôi hiểu hết. Mẹ tôi vẫn nói dối ăn rồi, là ăn như thế. Tôi thương quá nói:

- Đừng làm thế, bệ rạc lắm, mẹ ạ.

Mẹ tôi rưng rưng nước mắt, xoa đầu tôi, đáp:

- Mẹ ăn mày và liếm lá thì khổ thật. Nhưng mẹ sung sướng vì con được ăn cháy và giành được cơm cho các con. Túng mà phải đi vay mới bệ rạc, con ạ.

- Thế sao mẹ không bán ruộng cho ông Hường lấy tiền đong gạo?

- Bán cũng được, nhưng bán thì mất ruộng. Mà mất ruộng thì đói mãi mãi, thì bệ rạc suốt đời. Thà chịu ăn mày ăn xin một hai tháng, chờ đến ngày mùa có thóc, thì nhà ta lại no. Nhưng bố mẹ tôi không thể mãi mãi tránh được cái nạn địa chủ.

Một năm, bố tôi thiếu tiền ra thuế. Mẹ tôi chạy ngược chạy xuôi, mấy hôm trời, không vay được ai. Vì nhà ở cạnh đình, nên tiếng trống thúc và tiếng người bị cùm kẹp, đánh đập, kêu la, rõ mồn một. Sắp đến lượt bố tôi bị nhục, thì thằng Hường Vôi đến:

- Thôi, tôi đã nộp cho anh rồi. Chị dại quá, không biết đến tôi mà mượn. Có năm đồng bạc chứ mấy, mà để anh ấy suýt khổ thân. Trong làng trong nước, ăn ở với nhau, nên có tình. Tôi thương những người nghèo lắm.

*
*    *

Đúng như lời ông tôi nói. Tai họa bắt đầu đến nhà tôi từ hôm đó, đến một cách đàng hoàng. Tránh sao được? Vùng tôi nhan nhản những địa chủ cường hào, như cái lưới vây chặt lấy nông dân. Mà cái giống ấy như đỉa, thế nào nó cũng bám được người, để hút máu.

Trong tụi ăn bám và gian ác, thằng Hường Vôi là tên địa chủ vào hạng trung bình, nên ít người biết tiếng. Nó có độ bảy trăm mẫu.

Thủa trẻ, nó ở tỉnh, làm nghề dán vé chợ, ở chợ Rồng. Rồi thầu cơm cho đề lao. Trong thời gian này, nó làm giàu bằng cách hòa vôi vào gạo cho tù ăn. Nên người ta gọi là Cai Vôi. Có tiền, nó cho vay lãi, rồi tậu ruộng ở làng. Rồi nó không làm gì nữa. Nó lấy một con vợ lẽ Tây lai, dùng để giao thiệp với các quan trên nhà nó. Nó về quê ở, sống bằng mồ hôi nước mắt nông dân. Rồi nó mua hàn lâm. Rồi nó chạy làm nghị viện. Rồi nó được thằng Bảo Đại thăng hàm Hồng lô, và thưởng kim khánh. Người làng gọi nó là quan Hường. Nhưng là quan Hường Vôi, vì quen mồm.

Thẳng Hường Vôi ác có tiếng. Nó đánh người như két, giết người không ghê tay. Con gái làng bị nó hiếp gần khắp lượt. Nhiều người mang bệnh, không đẻ đái được nữa. Trong có ba mươi năm, từ tay trắng, nó có đến bảy trăm mẫu ruộng. Không tháng nào nó không kiện người, bị người kiện và lo kiện cho người. Con vợ lẽ Tây lai của nó vào cửa nào cũng lọt.

Nó thường nói với nông dân:

- Tao muốn để cho thằng nào ở làng thì thằng ấy còn được ở. Tao mà lấy hết ruộng, chúng bay đi xiêu cả, thì những hôm nhà có việc, tao lấy ai mà sai bảo.

Bố tôi biết không phải vào hạng người được nó còn cho ở làng. Thỉnh thoảng nó vẫn gạ mua ruộng, nhưng bố tôi không bán. Bố tôi lại khí khái, không chịu đi lại nhà nó để vay mượn. Nhưng lần này thì thật là tiền của nó lọt vào nhà tôi rồi.

Sau vụ thuế, bố mẹ tôi đi vay bà con, người đồng bạc, người vài hào, cho được đủ năm đồng, để đến trả thằng Hường Vôi.

Nhưng lần đầu tiên, nó mắng một cách thân mật. Và không nhận:

- Ai đòi mà phải trả sớm thế?

Lần thứ hai, nó đi vắng. Lần thứ ba, nó nói dối là đi vắng. Thế là năm đồng bạc tan. Vì tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Mà khi địa chủ nó đã buông câu, nông dân mắc vào, thì khó lòng gỡ nổi.

Bố mẹ tôi chán ngán quá, vì trông thấy rõ cái cơ mất ruộng dễ như chơi rồi. Bố tôi bàn:

- Thế này thì phải kiếm thêm đất mà làm chứ không thì chết.

Một hôm, có tin ông Xum là một tá điền của thằng Hường Vôi, vì nợ nó lưu cữu nhiều quá, không thể trả được, nên bỏ ruộng trốn đi làm phu ở Tân thế giới. Người họ tôi đến chơi, bảo bố tôi nên xin chỗ mẫu ba ấy mà làm. Vì nó quây quanh cái bốn sào nhà tôi ở Nam phung.

Bố mẹ tôi bàn bạc kỹ lưỡng rồi đồng ý. Chú tôi vay tiền, mua cho hai chục trứng gà đến nói với thằng Hưởng vôi hộ bố tôi. Nó bằng lòng, gọi bố tôi đến làm giấy.

Sau bố tôi mới biết chỗ ấy tiếng rằng mẫu ba, nhưng kỳ thực có một mẫu và phải nộp bằng tô đong.

*
*     *

Một hôm, có Tây đoan về khám, thấy mảnh của thằng Hường Vôi mà bố tôi làm, có rượu lậu. Thẳng Tây đoan đến nhà thằng Hường Vôi. Đáng lý, chính thằng này phải bắt. Nhưng vì ngày thường, nó vốn là đứa liếm giầy bọn đế quốc và quan lại, nên nó đùn cho anh Thảo, một cố nông ở nhà nó, bị giải đi thay nó.

Việc vỡ lở ra, hôm sau, bố tôi mới hiểu rằng thằng Hường Vôi, vì mua ruộng của bố tôi không được, nên lập tâm làm hại. Nó bỏ rượu lậu vào ruộng bố tôi, rồi đi báo đoan. Tất bố tôi bị bắt và bị phạt. Không có tiền nộp phạt thì ngồi tù. Thì lúc ấy thế nào mẹ tôi cũng phải bán ruộng cho nó. Nó sẽ bóp mua bằng giá rẻ. Nhưng giá công việc làm đúng được như mưu mô của nó, thì ruộng ấy về tay nó thực. Đằng này, nó lại muốn kín, sai con vợ Tây lai đem rượu lậu đi. Con này không biết ruộng nào vào ruộng nào. Ruộng của bố tôi thì nó không bỏ, lại lớ ngớ, bỏ ngay vào ruộng của nhà nó.

Việc này sở dĩ nhiều người biết là vì, sau khi anh Thảo bị giải đi, thì con vợ Tây lai bị con vợ cả chửi cho một trận nên thân. Rồi ba vợ chồng cãi nhau, đánh nhau ỏm tỏi. Đến chiều, con Tây lai phấn sáp, đi ô tô lên tỉnh một tối, sáng hôm sau nó đưa anh Thảo về.

Biết thủng câu chuyện, mẹ tôi lo lắng, bàn với bố tôi:

- Hay là bán phắt cho ông ấy, để tậu mảnh khác, ở chỗ xa?

Bố tôi lắc đầu:

- Ruộng nào, dù xa mấy, thì rồi sau ruộng địa chủ cũng bò tới. Có tránh đằng trời. Có điều rằng mình giữ gìn, chăm chỉ làm ăn, và kiên quyết không bán, thì không sợ mất ruộng.

Mẹ tôi thở dài:

- Tôi lo lắm!

Mẹ tôi lo rất đúng.

Chiều hôm sau, thằng Hường Vôi cho người gọi bố tôi đến.

Ở gian bên phải nhà nó, có một người lính cơ mới ở huyện về.

Nó nói:

- Hôm kia, có quan đoan về khám, bắt được rượu ở ruộng tao. Theo luật nhà nước thì đáng lý tao chịu phạt. Song, các quan đã minh xét. Ruộng tao, nhưng mày lĩnh canh. Cho nên trách nhiệm mày phải chịu. Vì thế quan trên tha cho thằng Thảo về. Và hôm nay có trát bắt mày. Mày theo thầy quyền lên huyện.

Bố tôi lặng người một lát. Rồi không thể nhịn được, mới nói:

- Thưa quan, không phải quan trên minh xét, mà là vì cô hai lên tỉnh tối hôm kia.

Nó quắc mắt:

- À thằng này giỏi! Đồ xỏ lá!

Dứt lời, nó vớ cái roi gân bò treo ở tường, vụt lấy vụt để vào bố tôi.

Bố tôi dơ tay ra đỡ.

- Ông không có phép đánh tôi!

- Không có phép này! Không có phép này! Mày muốn kiện đâu thì kiện. Ông không sợ.

Rồi nó quất lia lịa, vào mặt, vào lưng, vào đít, vào đùi.

Bố tôi giằng lấy roi, kêu rầm lên.

Thằng lính huyện bênh nó, xông vào, nhặt cái khăn lượt của bố tôi rơi xuống đất, ôm ghì lấy bố tôi, khóa cẳng, rồi trói bố tôi lại.

Thằng Hường Vôi được thể, đánh một chập nữa. Bố tôi đau quá, mềm như sợi bún, mặt mũi quần áo bê bết những máu.

Thẳng lính nói:

- Dại như con chó. Mày tập tễnh thế kia, thì đi sao được đến huyện.

Nó bắt bố tôi dẫn về nhà và bảo mẹ tôi:

- Đáng lẽ tao giải chồng mày đi ngay chiều nay, vì việc là việc khẩn. Nhưng thôi, tao thương hại. Tao rộng phép cho sáng mai, cơm nước xong thì đi.

Mẹ tôi hiểu ý. Nghĩa là thằng lính muốn vòi bữa cơm chiều nay và bữa cơm sớm mai. Bố tôi đau đớn, nằm trên giường, thỉnh thoảng thở dài.

Mẹ tôi nén lo và thương, phải đi chạy tiền, mua gà, mua rượu, làm cơm thết thằng lính. Đến tối, bố mẹ tôi mới dám than thở và khóc lóc với nhau.

Đêm ấy, bố tôi thắt cổ ở trong buồng.

Sáng hôm sau cả nhà mới biết.

Mẹ tôi hô hoán lên.

Hàng xóm láng giềng đổ sang. Thấy người bố tôi còn nóng, mọi người toan cởi giây để cứu. Nhưng thằng lính cơ, làm như thạo luật pháp, ngăn lại:

- Phải đi tường lý dịch, xem người ta bảo sao. Chớ ai mó vào. Có chịu nổi tội vạ thì hãy tự tiện.

Mẹ tôi kiếm cơi trầu, chạy đi tìm lý trưởng.

Thằng này gọi bố tôi bằng chú họ. Nó bảo mẹ tôi cứ về trước, rồi nó đến sau.

Xác bố tôi treo lủng lẳng ở xà nhà. Lạnh dần và xám dần. Mãi đến chiều, thằng lý trưởng mới đến. Nó đi với một người tuần.

Nó lừng lững vào buồng, sai người tuần cởi giây.

Xác bố tôi rơi bịch xuống đất, cứng như cây gỗ.

Mẹ tôi và chúng tôi oà lên khóc.

Thằng lý trưởng cau mặt, mắng:

- Ra cả ngoài kia để người ta làm việc.

Nó sờ vào người bố tôi, rồi nhìn mẹ tôi, càu nhàu nói:

- Thế này mà dám trình là còn nóng.

Rồi nó lấy chân, lật sấp, lật ngửa xác bố tôi, rồi nói một mình.

- Ừ chết thật rồi.

Mẹ tôi hu hu khóc:

- Vâng, giá bác đến ngay từ sớm, thì may cứu được nhà tôi.

Nó xì một tiếng rồi nhại:

- Cứu!

Rồi nó ngồi xuống, nhìn vết giây ở cổ, và làm như ngạc nhiên:

- Quái!

Nó mới nói tiếng ấy, chưa bảo gì thêm, thì người tuần đã cởi quần áo của bố tôi ra. Hình như chúng nó xếp đặt sẵn với nhau công việc rồi. Người tuần nói:

- Đúng rồi.

Thằng lý trường không nhìn những vết roi lằn ở người bố tôi tí nào. Nó đưa mắt lườm người tuần và chậc chậc mấy cái, để bảo im. Bỗng nó ôm hai bàn tay vào mặt nó, và rung hai vai, làm như khóc than rồi hờ:

- Ới chú ơi là chú! Tôi không ngờ người ta đánh chết chú, rồi treo cổ chú lên đây, để trình rằng chú tự tử. Ới chú ơi là chú ơi!

Rồi nó hỷ mũi, nhưng vắt mãi không ra nước.

Mẹ tôi không hiểu sao, im khóc để nghe.

Nó đứng dậy, làm mặt giận, trỏ vào mẹ tôi:

- Tao không họ hàng gì với mày nữa. Mày giết chú tao.

Mẹ tôi giật mình:

- Sao bác lại nói thế?

Nó hầm hầm:

- Trong người chú tao đẩy những thương tích. Mày đánh chú tao, rồi treo lên đây. Nếu không thì cũng là bức tử chứ không phải tự tử.

Mẹ tôi sợ quá, đáp:

- Nhà tôi bị quan Hường đánh, có thầy quyền biết. Rồi chắc rằng sợ tù tội, nên tự tử đấy, bác ạ.

- Không biết.

Nó đếm thương tích, và làm biên bản.

Mẹ tôi lo cuống cuồng, bưng mặt khóc, kêu oan.

Làm biên bản xong, nó bắt mẹ tôi điểm chỉ.

Nhưng nhất định mẹ tôi rụt tay lại.

Nghe chừng dọa không trôi, nó đứng dậy ra về, và nói:

- Việc này còn lôi thôi to. Còn phải trình quan, đốc tờ về khám xong mới được chôn.

Mẹ tôi nằn nì, giữ nó lại. Nó nói:

- Mày không ký, rồi mày biết. Giết chồng còn già mồm!

Mẹ tôi lạy van nó. Nó dịu nét mặt, hỏi:

- Thế định không điểm chỉ phỏng?

- Nhưng tôi không đánh nhà tôi. Chính là quan Hường. Bác viết lại biên bản hộ, để nhà tôi đỡ chết oan.

Nó cau mặt, nhại:

- Viết lại! Dễ tôi làm việc quan nhà nhà bà phỏng? Mà bà nói dễ thế. Tôi đã vậy, còn các ông chánh phó hội, phó lý dễ giấu nổi người ta phỏng?

Người tuần thấy mẹ tôi chưa hiểu, mới nhắc:

- Thôi, bà kiếm chẻ lá, nói với các ông ấy tử tế, thì các ông ấy ngơ đi cho.

Mẹ tôi im lặng. Thằng lý trưởng nhìn để chờ mặc cả một món tiền. Nhưng mẹ tôi bối rối, chưa nghĩ ra, thì nó tuyên bố một cách ráo hoảnh:

- Việc này, muốn trôi, phải hai chục.

Mẹ tôi rú lên:

- Giời ơi!

Rồi òa lên khóc.

Anh em chúng tôi thấy mẹ khóc cũng khóc. Mẹ tôi chắp hai tay, lạy nó, kể lể tình nghĩa họ hàng, rồi khấn nó mười đồng. Nó không đáp, bĩu môi, trợn mắt, nhìn một lát, rồi nó hất hàm:

- Chúng tôi uống nước lã để làm việc cho bà à? Mười lăm đồng! Thế là họ hàng rồi!

Mẹ tôi bằng lòng. Nó làm lại biên bản, bảo mẹ tôi điểm chỉ. Nó nắm lấy tay mẹ tôi, híp mắt cười một cách đều cáng:

- Bàn tay sao mà múp míp thế này! Tội nghiệp quá nhỉ!

Mẹ tôi giật tay ra. Lập tức, nó đút nghiến văn bản vào túi:

- Không điểm chỉ thì thôi, ông đếch cần.

Mẹ tôi lại phải đưa tay cho nó ngắm và mân mê.

Điểm chỉ xong, mẹ tôi nói:

- Bác cho tôi khất đến tối, để tôi đi chạy tiền.

- Được, không có đủ, thì lại làm biên bản lại đấy.

Mẹ tôi đi rạm bán ruộng.

Nghe tin ấy, thằng lý trưởng đến, mắng mẹ tôi:

- Mày ngu như chó! Sao không gọi bán cho tao?

Mẹ tôi đòi ba chục. Nhưng nhất định nó chỉ trả hai. Nó nói:

- Không để cho tao, thì không ai mua nổi đâu.

Không thể đòi thêm, mẹ tôi phải bằng lòng.

Nó làm văn tự, bắt mẹ tôi in tay.

Nhưng sực nghĩ ra điều gì, nó nhìn mãi cái văn tự, rồi lắc đầu:

- Không hợp pháp. Chồng bà chết, bà không có phép bán ruộng. Phải có hội đồng gia tộc mới bán nổi, vì các con bà còn bé. Thôi tôi không làm bậy.

Mẹ tôi lo lắng:

- Thế thì làm thế nào, bác bảo cho.

Nó nghĩ ngợi một lát, rồi nói:

- Nhưng mà được.

Nó xé văn tự vừa làm, viết lại tờ khác:

- Đây, tôi đề ngày hôm qua, tức là hôm ông ấy chưa chết, để hai vợ chồng cùng ký nhận.

Mẹ tôi không hiểu. Nó in tay mẹ tôi, rồi cầm đèn hoa kỳ vào buồng. Xác bố tôi vẫn trần truồng, nằm úp mặt xuống đất. Thân thể đã xám ngoẹt hơn. Nó lật ngửa lên, kề đèn vào gần cánh tay phải, bôi mực vào ngón tay cái. Rồi nó áp tờ văn tự vào. Mẹ tôi và chúng tôi thút thít khóc. Đoạn nó vui vẻ đứng dậy:

- Thật là thuận vợ thuận chồng.

Nó ra ngoài, ngồi trên phản, bỏ miếng trầu vào mồm, rồi nói:

- Bà bán cho tôi hai chuc. Tôi trừ mười lăm đồng, còn năm đồng. Nhưng năm đồng này, tôi phải giữ lại để chia cho các ông ấy.

Mẹ tôi choáng người:

- Bác cho lại tôi, để tôi mua cỗ ván cho thầy cháu.

Nó lắc đầu, đứng dậy ra về. Mặc cho mẹ tôi lạy van và bù lu bù loa khóc.

Thằng lính huyện vẫn ở lì lại nhà tôi, để chờ được ăn thêm một bữa cỗ đám ma, thấy chúng tôi khóc, thì nó tỏ vẻ khó chịu:

- Gớm, làm gì mà ồn lên thế. Mất có hai mươi đồng là quá phải rồi, còn kêu gì!

Mẹ con chúng tôi vào buồng, mặc cho bố tôi cái quần nâu lành, và cái áo the cũ, rồi đặt nằm lên trên chiếu.

Bố tôi đã trương, mặt bị đánh sưng, nay to bằng cái cháp tròn.

Tôi trông thấy đứt từng khúc ruột.

Khi mẹ tôi chưa nong xong cái áo cho bố tôi, thì con mẹ Hường Vôi léo nhéo từ cổng vào:

- Sao quân chúng bay ngu thế, bán ruộng thì không bán cho bà. Bà không có tiền à!

Rồi nó quát:

- Đâu rồi? Nó đâu rồi? Không mở miệng ra được à!

Mẹ tôi vội vàng chạy ra. Nó dí ngón tay trỏ vào trán, và nghiến răng:

- Cha con mẹ mày, đồ bạc nhé. Mày bán mất ruộng rồi à?

- Thưa bà, bác lý nó đòi mua.

- Thế đã làm văn tự chưa?

- Thưa bà làm rồi.

Con mẹ tuyệt vọng, quắc mắt, chửi một thôi nữa, rồi nói:

- Được rồi, đã thế, có tiền thì giả bà mười đồng bạc sưu đây!

- Thưa bà, có năm đồng thôi ạ.

- Thế không lãi nữa à? Đồ khốn nạn!

Mẹ tôi kể cho nó biết rằng bán ruộng được có hai chục và thằng lý trưởng lấy hết cả rồi. Nó chửi:

- Cha mẹ đồ ngu như con chó. Bốn sào có hai chục mà không bán cho bà.

Rồi im một lát nó tiếp:

- Nhưng không lẽ mày để cho lý trưởng lấy hết. Thế nào mày cũng còn tiền để làm ma cho chồng mày.

- Lạy bà, thật quả con không được đồng nào.

- Mặc kệ, không giả tao mười đồng, thì mày không chôn nổi chồng mày đâu. Tao nói trước cho mày biết.

Rồi nó ra về, vừa đi vừa lẩm bẩm chửi cho đến ngõ.

Một lát, nó cho anh Thảo đến, tay xách cái ghế gỗ, tay cầm gậy. Anh ta đặt cái ghế ở cổng, ngồi xuống, không nói gì. Anh ta canh, hễ mẹ con chúng tôi ai ra đường, là anh ta khám túi, nắn gấu áo, cạp quần. Con mẹ Hường Vôi đoán thế nào chúng tôi cũng còn tiền để sắm sửa làm ma cho bố tôi, nên nhất định nó phải lấy nợ cho bõ giận. Thành thử mẹ con chúng tôi không ai dám ra đường.

Bà con và hàng xóm thấy trong nhà có lính và có người nhà thằng Hường Vôi canh cổng thì không dám đến, sợ lụy đến thân.

Xác bố tôi vẫn nằm cong queo trong buồn.

Mẹ tôi lo quá, không biết làm thế nào để chôn được, nên chỉ khóc.

Trời về mùa hè, nóng nực, nên qua một đêm, xác đã lên mùi.

Anh Thảo ngồi ở cổng, nhổ toèn toẹt. Thẳng lính huyện cũng nhổ toèn toẹt. Luôn luôn nó hỏi mẹ tôi sao không mổ gà mổ chó để cúng bố tôi, lại nỡ để vong hồn người chết bơ vơ đói khát.

Cả ngày hôm ấy, nhà tôi thật lặng lẽ. Chỉ chốc chốc có tiếng thở dài và tiếng khóc ti tỉ. Anh Thảo phải bắc ghế ra tận đường để ngồi, thỉnh thoảng quay vào trong nhà, chửi đổng là nó làm khổ ông. Thằng lính kiên tâm hơn, vài giờ đồng hồ lại vào bếp ngó một tý. Thấy mẹ con tôi nằm ôm nhau, thì nó sốt ruột, nên thỉnh thoảng lại nhắc nhỏm:

- Gớm, nhịn đói khỏe nhỉ!

Chiều hôm ấy, muốn chừng biết rằng chờ mãi cũng vô ích, chỉ phải ngửi thối thôi, nên nó bắt mẹ tôi biện ba hào tiền tiễn để nó về huyện. Mẹ tôi không có, phải lột cái áo the mặc cho bố tôi, gán cho nó.

Đến đêm, chở cho anh Thảo ngủ, mẹ con tôi đánh thức nhau dậy, bó chiếu cho bố tôi, rồi xé hàng rào sau, khênh xác bố tôi ra đồng.



Mời đọc Bản chụp dạng ảnh

Trong Tập truyện ngắn "Nông dân với địa chủ"


Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
PDF


Mời đọc tại ISSUU



Tham khảo: Các bài viết liên quan


1 comments:

  1. Tổng hợp những bài văn mẫu hay trong chương trình thcs, thpt tại website: Văn mẫu hay

    Trả lờiXóa

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉